Nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam
Khó từ vùng nguyên liệu… đến chế biến
Một trong những nguyên nhân được giới chuyên gia chỉ ra là do Việt Nam chưa hình thành được vùng nguyên liệu gắn liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với doanh nghiệp, nên thời gian qua, việc triển khai các chính sách của Nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn liên kết theo chuỗi giá trị.
Vùng nguyên liệu trồng dứa ở Lai Châu. Ảnh: Laichau.gov.vn |
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất cũng như tổn thất sau thu hoạch còn lớn, khiến thu nhập của người nông dân còn thấp.
Trong một hội nghị về triển khai xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông – lâm sản đạt chuẩn, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển các vùng nguyên liệu nông - lâm sản vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đó là: Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân và liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
Nhiều vùng nguyên liệu tuy đã dần hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, nhất là ở các vùng nguyên liệu lớn hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Chính điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có nguy cơ phá sản, vì không đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến.
Ngoài vấn đề vùng nguyên liệu thì việc các sản phẩm chế biến chủ yếu là sơ chế khiến giá trị gia tăng thấp. Câu chuyện về vấn đề này đã được ông Phạm Ngọc Anh Tùng - nhà sáng lập Foodmap chia sẻ trong một hội thảo về xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Ông Tùng nhớ lại thời điểm 6 năm trước, chè ô long của Việt Nam chỉ bán được với giá 9 USD/kg, trong khi Đài Loan xuất khẩu cùng loại sang Mỹ với giá lên tới 100 USD/kg.
Bà Võ Thị Tam Dân - Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng cũng đã rất trăn trở khi chia sẻ câu chuyện 1 kg chè ô long hái tay một tôm 2 - 3 lá, chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ 10 - 12 USD. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì lại được bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần.
Không chỉ có chè mà nhiều nông sản của Việt Nam cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Điều này khiến không ít nông sản Việt chưa được nhìn nhận đúng về chất lượng và giá trị xuất khẩu.
Tín hiệu tích cực
Nhằm khắc phục hạn chế trong phát triển các vùng nguyên liệu; đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tháng 3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức triển khai Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025.
Đề án được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh, bao gồm: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang. Sau 2 năm triển khai, đến nay, 5 vùng nguyên liệu thí điểm đã cơ bản hình thành rõ nét và phát triển cả về quy mô, diện tích cũng như chất lượng hoạt động.
Cụ thể, vùng thứ nhất là cây ăn quả ở phía Bắc, tập trung là Sơn La - Hòa Bình với các sản phẩm như dứa, chanh leo, xoài phục vụ chế biến, xuất khẩu. Vùng thứ hai là gỗ rừng trồng ở vùng duyên hải miền Trung. Vùng thứ 3 là nguyên liệu cà phê tại Tây nguyên. Vùng thứ tư là trái cây tập trung ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An với các loại cây xoài, sầu riêng. Vùng thứ 5 là vùng lúa gạo Tứ Giác Long Xuyên.
Số chuỗi liên kết đã được xây dựng tăng lên 81 chuỗi, với sự tham gia của 26 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản và 353 hợp tác xã tăng 83 hợp tác xã so với thời điểm ban đầu.
Thực tế tại tỉnh Gia Lai, sau quá trình triển khai đề án, địa phương này đã hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô lớn, hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, phát triển trên 12 hợp tác xã nông nghiệp ở vùng nguyên liệu cà phê bền vững với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại 7 huyện, thành phố. Nhờ đó giá trị sản xuất của bàn con cũng được nâng cao.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự thành công của đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hình thành những vùng nguyên liệu đạt chuẩn một cách có hệ thống với các thiết chế đi kèm, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các ngành hàng mà trực tiếp là doanh nghiệp và nông dân.
Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông - lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2023), tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.
Giai đoạn 2 (2024-2025), hoàn thiện các nội dung đề án về khuyến nông và chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ cho hợp tác xã, người dân, phát triển, củng cố nâng cao năng lực cho hợp tác xã và thành viên hợp tác xã; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông, thực hiện các chính sách tín dụng, bảo hiểm, liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP…