Nâng cao năng suất lao động: Con đường ngắn nhất để phát triển kinh tế bền vững
Cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách
Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần… Năng suất lao động liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã có báo cáo về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam 30 năm qua, trong đó, Việt Nam được đánh giá là ngôi sao kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới. Cụ thể, từ năm 1990 - 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hàng năm 5,3%, nhanh hơn bất cứ nền kinh tế nào trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc. Trong các năm 2020, 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng năng suất lao động chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%.
Tăng năng suất lao động - yếu tố quan trọng để phát triển bền vững |
TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nêu dẫn chứng, bình quân giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 4,53%; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2016 -2020 cao hơn 5,5%.
Theo giá hiện hành, năng suất lao động đã tăng từ mức 70 triệu đồng/lao động (năm 2011) lên 150,1 triệu đồng/lao động (năm 2020). Năm 2021 tăng từ 150,1 triệu đồng/lao động (năm 2020) lên 172,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 22,7 triệu đồng/lao động so với năm 2020. Năm 2022, năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động, tăng 15,2 triệu đồng/lao động so với năm 2021.
Nếu xét theo các ngành, thống kê sơ bộ cho thấy, năng suất lao động trong ngành Công Thương cũng có sự tăng trưởng. Nếu như năm 1990, năng suất lao động ngành Công Thương chỉ khoảng 2.800 USD/người/năm thì đến nay, đã tăng trên 8.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, dù mức năng suất lao động của nước ta được cải thiện nhưng nếu so với các nước trong khu vực vẫn còn thấp và có khoảng cách khá lớn. Tính theo sức mua tương đương năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan…
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cơ cấu lao động theo ngành kinh tế chưa hợp lý. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam thời gian qua dù diễn ra khá nhanh nhưng đến nay, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Bích Lâm, nhiều chuyên gia cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn đang tập trung chủ yếu vào hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đổi mới mô hình tăng trưởng để tăng năng suất
Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nội dung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó, cần chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực… Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí nhưng đồng thời nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ những ngành, mặt hàng sản xuất giá trị thấp sang sản xuất có giá trị cao hơn; tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động...
Nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhiều ý kiến bày tỏ, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động; coi nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Vì vậy, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Nam; định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi của kinh tế thế giới…
Nâng cao năng suất lao động phụ thuộc nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, TS. Nguyễn Bích Lâm cũng lưu ý, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và kỹ năng mới nổi phải là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.
Với doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động dựa vào tri thức, công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp...
Chia sẻ tại một hội thảo về vấn đề này, TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) - nêu quan điểm: Muốn có đầu tư năng suất thỏa đáng, phải biết năng suất của từng đơn vị, doanh nghiệp đang ở đâu và khả năng tăng lên như thế nào. Khi đó, chúng ta mới trân trọng mọi sáng kiến để đưa năng suất đi lên. Như vậy, sẽ tạo ra cao trào tăng năng suất rất cao; thay vì chỉ nghĩ đầu tư 1 - 2 dự án, phải nghĩ về cả một phong trào năng suất rộng lớn trên toàn quốc...
Tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, trong định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Nghị quyết Đại hội XII đã đưa ra mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo 70%. |