Vai trò của công đoàn trong thúc đẩy tăng năng suất lao động Việt Nam cần tăng đầu tư cho khoa học để cải thiện năng suất lao động |
Dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, dễ gần là ấn tượng của hầu hết mọi người khi tiếp xúc với chị Phùng Thị Hạnh - công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội – người vinh dự được lên phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia’’, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức những ngày cuối tháng 5/2024.
Hạnh chia sẻ, “bước chân" vào May 10 (gọi tắt của Tổng Công ty May 10) năm 2010, khi đó vừa tròn 18 tuổi với tâm thế của một người trẻ lại đam mê công việc trong lĩnh vực may mặc nên lúc nào chị cũng vui tươi, phấn khởi, song cũng không tránh khỏi lo lắng và bỡ ngỡ, vì công nhân mới lại chưa từng qua trường lớp đào tạo.
Chị Phùng Thị Hạnh phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia’’. Ảnh: VGP |
Song với sự giúp đỡ của anh chị, cô chú đi trước, mỗi ngày Hạnh thêm dãn dĩ, có thêm những kinh nghiệm quý từ cách bố trí hàng, sắp xếp hàng sao cho hợp lý và thuận tiện, đến loại bỏ những thao tác thừa trong công việc. Mỗi ngày vừa cố gắng hoàn thành tốt công đoạn công việc của mình, vừa chú ý học thêm những công đoạn khác, đã giúp tay nghề của Hạnh được nâng cao. Qua đó, năng suất lao động cũng được tăng lên.
“Từ việc hoàn thành 200-300 sản phẩm những ngày đầu, sau 5 tháng tôi đã may được 700 - 800 sản phẩm/ngày. Kết quả này dù đã có sự tăng trưởng nhưng tôi chưa hài lòng và luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào nâng cao tay nghề hơn nữa? năng suất cao hơn nữa? Để trả lời được câu hỏi của mình, tôi đã học cách kiểm soát thời gian với mục tiêu năng suất giờ sau phải tăng hơn giờ trước ít nhất 5%. Kiên trì nhẫn nại, hơn một năm sau, tôi đã là người dẫn đầu về năng suất tại đơn vị với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công đoạn’’, Hạnh chia sẻ.
Không bằng lòng trước kết quả đã đạt được, Hạnh tiếp tục học thêm những công đoạn khác để tay nghề được nâng cao hơn, trở thành thợ điều động có thể làm được bất kỳ vị trí nào trong dây chuyền sản xuất.
Sau gần 15 năm gắn bó với nghề, chị Phùng Thị Hạnh không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao mà còn đại diện tham gia Hội thi thợ giỏi cấp Tổng Công ty, Hội thi thợ giỏi và Ngày hội lao động sáng tạo cấp ngành do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức.
Hạnh không giấu niềm vui tâm sự: “Mỗi một lần như vậy tôi háo hức chờ đợi, bởi tôi có thể học hỏi được nhiều cách làm hay, thao tác mới từ những người thợ giỏi nhất trên cả nước. Với quá trình học tập và rèn luyện không ngừng nghỉ, đến nay tôi luôn là công nhân đạt năng suất và thu nhập cao hàng đầu của xí nghiệp với mức lương 15.000.000 đồng/tháng. Nhiều năm liền đạt lao động giỏi, đoàn viên Công đoàn xuất sắc, danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Công nhân tiêu biểu”.
Đạt được nhiều thành tích, có thêm nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, Hạnh cũng luôn chủ động chia sẻ, hướng dẫn cho bạn bè, đồng nghiệp. Điều vui hơn, mọi người đều rất phấn khởi làm theo hướng dẫn của Hạnh và cải thiện được năng suất. “Tôi rất vui vì đã mang lại tinh thần tích cực cho mọi người cũng như được đóng góp vào thành tích chung của Tổng công ty. Đó chính là cách tôi thể hiện tình yêu, sự tri ân của mình đối với nơi tôi đã làm việc và gắn bó suốt những năm qua, cả những người đi trước đã truyền nghề cho tôi với tất cả sự kính trọng và tri ân sâu sắc”, chị Phùng Thị Hạnh bày tỏ.
Được biết, để đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, những năm qua, Tổng Công ty May 10 đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, qua đó rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhiều thiết bị tự động được sử dụng hiệu quả như hệ thống chuyền treo giúp tăng 30% năng suất, hệ thống máy trải vải tự động, máy cắt tự động, máy lập trình, máy thùa đính tự động… giúp tăng năng suất từ 150 - 200%. Tuy nhiên, để đạt được kết quả đó, có công sức lớn của những người lao động đã chủ động tìm hiểu, đáp ứng và làm chủ được công nghệ mới, trong đó chắc chắn có cả Hạnh.