Thứ bảy 28/12/2024 18:29

Nâng cao năng lực thông quan cho cửa khẩu Lạng Sơn

Hiện nay, có trên 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan mỗi ngày qua cửa khẩu Lạng Sơn.

Hơn 1.000 xe hàng hóa qua cửa khẩu Lạng Sơn - Trung Quốc mỗi ngày

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hiện tại 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là Chi Ma, Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng đang duy trì ổn định hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, với trên 1.000 phương tiện xuất nhập khẩu thông quan mỗi ngày.

Qua thống kê của lực lượng chức năng, trung bình mỗi ngày có khoảng 350-400 phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi các loại lên khu vực cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tại cửa khẩu Tân Thanh, hoa quả tươi chiếm khoảng 85% tổng lượng hàng xuất khẩu

Hiện nay, cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị là 2 cửa khẩu có hoạt động biên mậu sôi động nhất. Lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu vẫn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu các loại mặt hàng.

Tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hàng hóa thông quan chủ yếu là hoa quả tươi.

Cụ thể, tại cửa khẩu Tân Thanh, hoa quả tươi chiếm khoảng 85% tổng lượng hàng xuất khẩu. Tại tất cả các quy trình nghiệp vụ, cơ quan Hải quan đều bố trí đầy đủ cán bộ công chức làm việc. Hải quan Tân Thanh xác định, mặt hàng nông sản xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh đa phần là sầu riêng, thanh long, tinh bột sắn… nên đơn vị luôn bố trí cán bộ giải quyết thủ tục, thông quan ngay trong ngày.

Còn tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, mặt hàng hoa quả tươi chiếm khoảng 70% tổng lượng hàng xuất khẩu. Để đảm bảo mặt hàng nông sản được làm thủ tục thông quan nhanh chóng, Hải quan Hữu Nghị đã bố trí nhân lực thay ca làm việc xuyên trưa để tiếp nhận và giải quyết thủ tục, đặc biệt là mặt hàng nông sản.

Bắt đầu từ tháng 9, vào vụ thu hoạch chính của một số loại hoa quả, nông sản trong nước và phía Trung Quốc tăng cường mức độ kiểm soát đối với hàng nông sản qua cửa khẩu và cặp chợ biên giới để kiểm soát chất lượng hàng hoá đối với hàng nhập khẩu vào Trung Quốc. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ 15 giờ 00 phút ngày 08/9/2023, Trung tâm quản lý cửa khẩu Đồng Đăng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu thực hiện điều tiết phương tiện chờ xuất khẩu ngoài quốc lộ 1A vào Khu Phi thuế quan nhằm đảm bảo công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài trên tuyến đường quốc lộ.

Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cũng khuyến cáo, để đảm bảo các hoạt động xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu được diễn ra thuận lợi, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông… các doanh nghiệp, các chủ hàng cần chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện nghiêm túc việc điều tiết phương tiện của các cơ quan chức năng tại khu vực cửa khẩu.

Sớm hoàn thiện Đề án xây dựng cửa khẩu thông minh

Hiện nay cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Hữu Nghị thực hiện thông quan hàng hóa chiếm 80% năng lực thông quan của các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày thông quan trên 1.000 xe/ngày. Có được kết quả này là do thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai có hiệu quả cửa khẩu số và ứng dụng các quy trình kiểm soát công nghệ thông minh.

Nhằm nâng cao hiệu quả thông quan, việc xây dựng cửa khẩu thông minh là một trong những giải pháp quan trọng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 26/6/2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, UBND tỉnh Lạng Sơn, (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã cùng thống nhất ký Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam - Trung Quốc. Một trong những nội dung cơ bản của Thỏa thuận khung là Hai bên đồng ý cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Đề án triển khai thực hiện thí điểm cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc), Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc), UBND tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng Đề án với mục tiêu triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng của thương nhân hai nước Việt Nam -Trung Quốc. Đồng thời giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.

Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Lạng Sơn thực hiện thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, tuy nhiên, do đây là việc mới, chưa có tiền lệ, có nhiều vướng mắc nên cần sự hướng dẫn, giúp đỡ hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương.

Sau khi lắng nghe, lấy ý kiến các Bộ ngành, hiện Lạng Sơn đang hoàn thiện hồ sơ Đề án, báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi đề án được thông qua, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4 - 5 lần so với thời điểm hiện tại.

Bảo Ngọc
Bài viết cùng chủ đề: Kinh tế cửa khẩu

Tin cùng chuyên mục

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng: Dự báo, xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ vượt con số 1.000 tỷ USD

Quảng Bình: Tăng cường giám sát các hoạt động xuất khẩu nhập khẩu

EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ