Nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công cho ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác
Nâng cao năng lực trong lĩnh vực khuôn mẫu là nhiệm vụ hàng đầu
Đây là khóa học thuộc đề án “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công và đo kiểm cho kỹ thuật viên ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2022 do Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Trung tâm IDC) - Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) phối hợp tổ chức.
Chương trình khai giảng trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa hai bên nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo.
Ông Cao Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp phát biểu khai mạc khóa đào tạo |
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Cao Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp cho biết, tiếp nối thành công của các khóa lập trình gia công cho kỹ thuật viên ngành khuôn mẫu năm 2021, năm nay, Trung tâm IDC tiếp tục tổ chức các khóa lập trình gia công khuôn mẫu. Đề án đào tạo năm 2022 này bao gồm 4 khóa đào tạo: 01 khóa thiết kế khuôn mẫu; 02 khóa lập trình gia công, 01 khóa đo kiểm.
Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, được xem như nền tảng của nền công nghiệp. Với khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn, và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.
Hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo bước vào cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, đa dạng về mẫu mã và chủng loại trong khi giá bán không tăng. Với vai trò là công cụ sản xuất quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực, khuôn mẫu luôn được ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh của các công nghệ mô phỏng cũng giúp rút ngắn quá trình đưa công nghệ mới vào thực tế sản xuất.
Theo các chuyên gia, hiện trạng về công nghệ, thiết bị trong ngành sản xuất khuôn mẫu của Việt Nam hiện nay mới chỉ bằng khoảng từ 50 đến 70% so với hiện trạng chung của thế giới và tương đương với một số nước trong khu vực như Philipine, Indonesia. Tuy nhiên, năng lực làm chủ và sử dụng công nghệ chưa theo kịp được với trang thiết bị công nghệ hiện có.
Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Bộ Công Thương đặt ra trong thời gian tới là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng yêu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước trong lĩnh vực khuôn mẫu, thông qua chương trình đào tạo nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực ngành khuôn mẫu Việt Nam.
Các học viên và các chuyên gia, giảng viên tham gia khóa đào tạo |
Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ Hợp tác giữa Bộ Công Thương Hàn Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam tháng 12/2021, Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc – Kitech và phía Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp đã ký Biên bản ghi nhớ về Chương trình đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam với mục tiêu là Kitech sẽ hỗ trợ và nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực khuôn mẫu Việt Nam thông qua chương trình đào tạo. Trong đó 80 kỹ sư Việt Nam được tuyển chọn từ các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam sẽ được đào tạo và nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công khuôn mẫu mà đặc biệt là về khuôn đúc để có thể để thiết kế và sản xuất khuôn mẫu với độ chính xác cao hơn. Có như vậy, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sau các khóa học, những người tham gia sẽ đạt được Chứng nhận tham gia khóa học được chứng nhận bởi cả hai Bên (Kitech và Trung tâm IDC).
Góp phần thiết lập chuỗi cung ứng
Tại lễ khai mạc khóa học, Tiến sĩ Jung Ki Ho - nghiên cứu viên chính Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) cũng đánh giá: đây là thời điểm Việt Nam cần thiết phải chuyển dần các ngành công nghiệp sử dụng nhiều nguồn lao động sang mô hình công nghiệp nặng. Nên đã đến lúc phải hướng tới việc mở rộng cơ sở của ngành công nghiệp gốc, đó là cơ sở cho sự phát triển của ngành công nghiệp nặng, và sự phát triển của chuỗi cung ứng phụ tùng trong nước.
Tiến sĩ Jung Ki Ho - nghiên cứu viên chính Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) phát biểu tại lễ khai mạc |
Thông qua dự án hợp tác công nghệ gốc Hàn - Việt này, Kitech hy vọng sẽ nâng cao được kiến thức, trình độ về kỹ thuật cho những người mới bắt đầu tới các cán bộ đến từ các trường đào tạo nghề hay kỹ sư về công nghệ ép phun và công nghệ khuôn mẫu, bằng cách mở rộng cơ sở, các bộ phận sản xuất quy mô vừa và nhỏ khác nhau, từ đó góp phần thiết lập chuỗi cung ứng phụ tùng trong nước.
Khóa đào tạo sẽ diễn ra trong 3 tuần |
Đại diện học viên của khóa học, chị Vũ Như Nguyệt – Giảng viên Khoa Cơ khí – trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cũng chia sẻ: Hiện nay ngành khuôn mẫu, nói chung và khuôn nhựa, nói riêng đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, trong đó có khu vực phía Bắc. Để đáp ứng tốc độ phát triển đó, Đề án “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công và đo kiểm cho kỹ thuật viên ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo” đã ra đời đúng thời điểm và tạo cơ hội cho các cơ sở đào tạo tiếp cận cập nhật kiến thức, và các kỹ năng cần thiết nhằm bắt kịp xu thế của thế giới.
Với sự thành công của đề án từ những năm trước, đặc biệt khi đề án có sự hợp tác cùng Viện Nghiên cứu Công nghiệp Hàn Quốc (Kitech) đã giúp nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên các trường đại học và cao đẳng; kỹ sư đang làm việc tại các doanh nghiệp gia công cơ khí phù hợp với thực tế sản xuất và nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời gián tiếp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo, đặc biệt là ngành sản xuất khuôn mẫu Việt Nam nâng tầm hơn trong khu vực và trên thế giới.
Đề án “Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng thiết kế, gia công và đo kiểm cho kỹ thuật viên ngành khuôn mẫu, cơ khí chính xác trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến chế tạo” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2022 bao gồm 4 khóa đào tạo: 01 khóa Thiết kế khuôn mẫu; 02 khóa lập trình gia công, 01 khóa Đo kiểm – mỗi khóa 20 học viên, thời lượng học 3 tuần/khóa. Đối tượng tuyển sinh là các kỹ thuật viên đến từ các doanh nghiệp, các giảng viên đến từ các Trường Đại học, Cao đẳng kỹ thuật; Các kỹ sư có chuyên ngành phù hợp, có nguyện vọng nâng cao tay nghề… |