Nâng cao hiệu quả của kiểm toán trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Vai trò quan trọng của Kiểm toán nhà nước
Để khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Kiểm toán nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, hàng năm, Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của ngành và Kế hoạch của Tổng Kiểm toán nhà nước - thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó chỉ đạo toàn ngành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản của Kiểm toán nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong thi hành công vụ; tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán hàng năm đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng; tăng cường phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực...
Kiểm toán nhà nước có vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng tiêu cực |
Tính riêng từ năm 2011 đến nay, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Việc phối hợp cung cấp tài liệu và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng đã góp phần không nhỏ cung cấp kịp thời thông tin cho cơ quan có thẩm quyền, nhất là cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực...
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kịp thời phát hiện và có bằng chứng về những dấu hiệu sai phạm, không tuân thủ pháp luật, những vi phạm tham ô, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Trên cơ sở kiến nghị xử lý tài chính và trách nhiệm tập thể cá nhân liên quan hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định pháp luật góp phần tích cực phòng chống tham nhũng tiêu cực, lãnh phí...
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán
Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán là không ngừng nâng cao chất lượng, tránh chồng chéo và tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo với nhiều giải pháp.
Trong đó yêu cầu các đơn vị tập trung: Bám sát Chỉ thị của Ban thường vụ Đảng ủy Kiểm toán nhà nước về thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023; Chỉ thị số 1346/CT-KTNN ngày 28/10/2022 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu và các đề cương, hướng dẫn kiểm toán; tập trung làm tốt công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán; nghiêm cấm hành vi tham nhũng, tiêu cực, cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; thực hiện nghiêm quy định về thời gian phát hành Báo cáo kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán.
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cũng nhận thấy, một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật về tố tụng, hình sự, dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác phát hiện chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ kiểm toán viên và chất lượng kiểm toán.
Để phát huy vai trò cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho rằng, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước là vấn đề cần thiết hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống tham nhũng tiêu cực là vấn đề cần thiết hiện nay, đặt ra yêu cầu quan trọng và cơ bản đối với hoàn thiện pháp luật Kiểm toán nhà nước cả về nội dung, hình thức, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước, các Luật liên quan và các thể chế, thiết chế, quy định địa vị pháp lý, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, sự phân công, phân giao quyền lực, sự phối hợp, giám sát, kiểm soát giữa các cơ quan trong hệ thống kiểm toán, kiểm tra, thanh tra.
Để tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan phòng chống tham nhũng tiêu cực và thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, Kiểm toán nhà nước tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tiêu cực và Hội đồng nhân dân các cấp.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp tốt với cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, nhất là cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán nhằm đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục xác định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực là một việc làm cần thiết, tất yếu, xu thế không thể đảo ngược; phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào. |