Năm ấy… với Nhà văn Tô Hoài
Khu vườn nhỏ thật tĩnh lặng, ông ngồi đó, ký ức tuổi thơ lại hiện về, rồi năm tháng làm tờ báo Cứu Quốc tại /chu-de/tinh-bac-kan.topic, trong tiết đông rét mướt, tuyết mịn đọng trắng mặt lá trên núi Phja Bjoóc, không thể nào quên...
Phja Bjoóc, tiếng Tày tức là núi Hoa, dãy núi sừng sững, trải dài từ chân đỉnh Phja Uăc (Nguyên Bình) xuống hồ Ba bể (Bắc Kạn), dưới là thung lũng, bạt ngàn ruộng nương. Chả phải là núi có bốn mùa hoa nở, mà là các cụ người Dao kể: Những con suối trên núi đá cao ở đây, cứ đêm đêm nước tuôn sáng lấp lánh, người dân ở đây lại rủ nhau đi đãi cát lấy mảy vàng ròng, vàng cốm, về đánh vòng chơi Tết và làm của.Nhưng đặc biệt hơn cả, là dãy núi này, những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa được đặt tên là núi Cứu Quốc.Và báo Cứu Quốc Việt Bắc, từ nhà in, đến toà soạn, trên dưới 15 người “đồn trú” nơi đây. Nhà văn Tô Hoài - chàng trai thành phố đó, với chứng minh thư do Ty giáo dục cấp, có tên Nông Văn Tư, dân tộc Tày, công tác Bình dân học vụ, nhà văn Nam Cao thành Ma văn Hữu, hoạ sĩ Trần Đình Thọ thành Lý Chính Khang…Những trai làng ấy, cũng túi đeo, quần áo nhuộm chàm, đến nhà ai ăn cơm, lễ phép “chài kin nớ”, và chào các cụ già “bác chải dú nớ”. Đêm nào cũng vậy, quanh bếp lửa, chuyện đánh Tây, đánh Nhật, không bao giờ cạn, những đời sống bà con dân tộc… phải chăng là nguồn cảm hứng sáng tác được khơi gợi từ những ngày đó, thưa ông?
- Điều đó cũng còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như Nam Cao chẳng hạn. Thằng cha này ngồi cả ngày ở lán, giải buồn bằng cách học tiếng Dao, trò chuyện với ông Kim già cô đơn, đôi lúc ra vách đá nhìn cô Pin đuổi trâu đương lao vào liếm mồ hôi mặn ở cái chiếu của chúng tôi phơi. Rồi cô Liễu trên nương về, cho quả dưa gang, chả đi đâu cả, thế mà viết “Đôi mắt”,“ Nhật ký ở rừng” hay đáo để ! Còn họa sĩ Trần Đình Thọ, cặm cụi ngồi gọt cái gộc hóp, gộc tre thành những chiếc tẩu khắc hình đầu Tây, phát cho mỗi người một cái. Thi thoảng, đến phiên Chợ Rã, mua thuốc lá bán bó của ông già người Nùng, có cái cân tiểu ly gài sau gáy. Đêm giá rét, hút thuốc, ủ tay vào đầu tẩu, thì ấm phải biết! Đấy, đến tận bây giờ triển lãm tranh Trần Đình Thọ, vẫn lưu luyến chỗ đèo Giàng, xanh ngát lưng trời bởi cây tre, cây hóp trong các tác phẩm của mình. Còn mình (nhà văn) sục sạo, đi khắp nơi, ghi chép lia lịa, gom góp mắt thấy tai nghe thành tập truyện ngắn “Núi Cứu Quốc”lại không mấy tiếng vang, viết tự nhiên chủ nghĩa, chữ nghĩa cứ lạnh như “đá”, có thể nói là hơi“nhạt” ! “Đầu trời có sao chiều, sao sớm / Đầu núi kia có (ơ) hai người / Dù đi cùng trời, dù đi khắp núi /Trời chỉ có chỉ có sao sớm sao chiều / Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau …”. Bài hát “Bài ca trên núi” nhạc Nguyễn Văn Thương, lời Tô Hoài trong phim “Vợ chồng A Phủ” và kịch bản phim cũng do ông chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên, đến nay vẫn lắng đọng, cuốn hút bao trái tim người yêu văn học, nghệ thuật.
Khi được hỏi nhờ những ngày sống trên núi rất dung dị, ông mới có vốn sống để thể bồi đắp nên một truyện ngắn, rồi một tác phẩm điện ảnh hết sức nổi tiếng như vậy? Tô Hoài trả lời: Mãi một năm sau (năm 1952), kể từ khi tập truyện ngắn mà ban nãy vừa nói , tôi đi theo chiến dịch Tây Bắc , vào du kích dân tộc Dao, Mông. Nằm luôn ở bản Mông vài tháng, học cho đủ 100 chữ nơi đây, lại có kinh nghiệm ở Bắc Kạn, rồi về viết “Vợ chồng A Phủ”, sau đó được chuyển thành phim, phim nhựa hẳn hoi, mà hồi đấy không làm theo kiểu “mỳ ăn liền” như bây giờ đâu ! Đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên…đi với mình về làng người Mông ở Tà Sùa, thực tế cũng phải hai tháng, tập quẩy nước, xay gạo, giã ngô…rồi mới chính thức bấm máy làm phim. Tôi mới nhận ra một điều bấy lâu vẫn biết mà không hiểu: ghi chép thôi không đủ, mà mỗi người, mỗi việc mỗi chữ tìm được phải sáng tạo có hồn thế nào.
Tôi hỏi tiếp: Chúng ta sau này đã có một lực lượng sáng tác trẻ rất hùng hậu, được trang bị đầy đủ kiến thức, thông minh, xuất hiện nhiều cây bút rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bắt đầu có hiện tượng “sản xuất” tác phẩm một cách ào ào, ít vốn sống, chữ nghĩa nghèo nàn, ông có nghĩ như vậy ?
- Tô Hoài: Đã là người cầm bút thì phải có đời sống nhất định. Lứa tuổi nào cũng phải đi vào thực tế để sáng tác. Tôi cũng vậy, phải học rất nhiều về ngôn ngữ thời ấy mới viết được. Lớp trẻ sau này, (chỉ tuổi con, tuổi cháu) rất ít chữ, không để ý học chuyện ấy, ví như gọi người thân là “họ” nghe thật lạnh lẽo, xa vời! Hoặc đơn giản như: “cờ đỏ sao vàng”, còn cờ nhà chùa cũng mầu đỏ, thì gọi là “cờ điều” hay là kiệu rước mầu đen, có gọi là “kiệu đen” ? Mà phải dùng là “kiệu sơn then”, rồi tế nhị như vợ chồng ngủ với nhau gọi là “ăn nằm”… Chữ thì sinh ra văn, cứ ào ào, vội vàng, lại không có thực tế, thế thì còn gì là văn chương nữa? Trước tôi cứ tập viết văn, làm thơ (sau thơ thấy không có khả năng), nên chỉ tập trung vào một thứ, lúc đầu gửi mãi, đâu có được đăng ! Dần dần, chữ nghĩa cũng sạch sẽ hơn, rồi thành nhà văn chuyên nghiệp. Bây giờ, cũng có nhiều cây bút trẻ khá lắm, như Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau chẳng hạn, học hành cũng “lõm bõm”, nhưng biết bám sát vùng đất mình sống, tả người nông dân ra nông dân, người lưu lạc ra lưu lạc… cây bút như vậy, bây giờ cũng không có nhiều đâu. Hay Nguyễn Huy Thiệp khai thác cái “lưu manh hoá” của con người rất giỏi, cần ông ta cũng “lưu manh” được, vậy thành ra có phong cách … Nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập như hiện nay, chúng ta cũng nên bắt cho kịp xu thế ấy, nếu không cũng bị tụt hậu. Nhưng bước đi phải có đường, có lối, như vậy mới mong phát triển được, và phát triển thì cứ phát triển, chứ đừng ảo tưởng về thiên tài.
Đó là một ngày cuối năm thú vị nên nhớ mãi. Hôm ấy, ông bảo quỹ thời gian chẳng còn nhiều, cũng tranh thủ sáng tác cho thiếu nhi, đề tài mà ông yêu thích. Thấy ông vui, kể lại chuyện đi sơ tán (cùng cả gia đình ông), tụi tôi cũng nghịch lắm, có bữa đi bẻ trộm ngô bị phát hiện, đang ăn đòn, thì ông Chế (nhà thơ Chế Lan Viên ) sang nói gì bằng tiếng Pháp, sau bố tôi nói lại :” Đấy, bác Chế bảo, thà để nó đau đít, còn hơn mình đau đầu!”. Ông cười, nói rằng hồi bé cũng nghịch, nhưng con nhà nghèo nên đến hết tiểu học đã phải đi bán giầy cho hãng Ba Ta, đỡ đần phụ thêm cho gia đình. Ông còn không vừa lòng những thói thiếu văn hoá, mà đến nay vẫn tồn tại như: Văng tục chửi bậy, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, ra quán thì hò hét “ dzo dzo” loạn xì ngầu. Ông nói đôi khi muốn ra quán làm vài cốc cho “mát ruột”, gặp cảnh này thật ái ngại !
Nhà văn Tô Hoài đi xa đã 8 năm (2014) nhưng dường như ông vẫn ngồi đó, trong khu vườn nhỏ ở Nghĩa Đô - một làng ngoại thành Hà Nội xưa!
Đến thăm nhà văn Tô Hoài, năm ấy ông vẫn còn nhanh nhẹn, da dẻ đỏ đắn, ông còn tặng cuốn “ Quê nhà” - viết về vùng ngoại ô (làng Nghĩa Đô quê ông), rồi được ông chuyện trò… |