Thứ sáu 22/11/2024 09:41

Năm 2025, thương hiệu du lịch Việt phải được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm

Tại Hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2016, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam khi hội nhập và trong cạnh tranh.
Việt Nam sẽ tập trung phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch nổi bật. Ảnh minh họa

Thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh của điểm đến du lịch trong nhận thức của các thị trường mục tiêu; thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác. Ngành du lịch Việt Nam cũng đã xác định, phát triển thương hiệu, trước hết là thương hiệu quốc gia, điểm đến quốc gia, vùng, địa phương, điểm đến, sản phẩm…

Theo đó, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu phải thực hiện được mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò, yêu cầu, các biện pháp phát triển thương hiệu; phải đánh giá, kiểm soát được hình ảnh thương hiệu; nhận thức về phát triển thương hiệu phải thống nhất; quản lý phát triển thương hiệu phải triển khai chuyên nghiệp, đồng bộ.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhận định, thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam khi hội nhập và trong cạnh tranh. Thương hiệu phải là vấn đề đi đầu, định hướng cho tất cả các chương trình hành động về sản phẩm, quảng bá; định vị ta ở đâu, là ai, đi đến đâu, có giá thế nào; thể hiện tính thương mại, tên tuổi của du lịch Việt Nam chỗ nào trong bối cảnh canh tranh toàn cầu… “Mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra là đến năm 2025, thương hiệu du lịch Việt Nam phải được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm” - ông Siêu cho biết.

Tuy nhiên, đánh giá hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam hiện nay, hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng còn rất mờ nhạt. Tổng giám đốc truyền thông Tập đoàn Truyền thông Lê – LeBros, ông Lê Quốc Vinh chia sẻ, trong một video clip quảng bá về hình ảnh du lịch Thái Lan, người Thái đã biết đưa cảm xúc làm điểm nhấn của sản phẩm tuyên truyền này để nói lên trải nghiệm của khách hàng. Đây chính là cách truyền thông mới để quảng bá du lịch mà nhiều nước đang hướng tới. Trong khi đó, ở Việt Nam quảng bá du lịch Việt còn khá dàn trải.

Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cũng đồng tình cho rằng, quảng bá du lịch Việt Nam hiện đang đưa tới quá nhiều thông điệp cho khách hàng. Cách tuyên truyền về mảng này đang ở tình trạng tham hình ảnh, thông tin, thể hiện ở việc “nhồi” quá nhiều cảnh đẹp, văn hóa, hình ảnh ẩm thực vào cùng một video tuyên truyền. Vì vậy, hiến kế cho hoạt động xây dựng thương hiệu du lịch Việt, ông Lê Quốc Vinh đề xuất, để xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam cần tập trung được vào 2 yếu tố đó là: sự nổi trội, và cảm xúc của thương hiệu. Đó là việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam nên theo hướng tác động đến cảm xúc của du khách, từ đó để lại ấn tượng sâu sắc.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ hướng tới việc đánh giá và đo lượng, kiểm soát hình ảnh thương hiệu du lịch thông qua việc duy trì và cải thiện xếp hạng của du lịch Việt Nam trên các hệ thống đánh giá độc lập, có uy tín.

Ngoài ra, ông Lê Tuấn Anh cho biết thêm, Việt Nam cũng sẽ tập trung phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch nổi bật, chất lượng cao. Cụ thể, về du lịch văn hóa: Hà Nội, Hội An. Du lịch biển đảo là: Hạ Long, Phú Quốc, Nam Trung bộ; Du lịch thiên nhiên: Miền núi Phía Bắc; Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng bằng sông Cửu Long…

Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

Làng rau Trà Quế - Làng Du lịch tốt nhất thế giới năm 2024

Tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam

Thêm đường bay thẳng từ Singapore: Phú Quốc ngày càng hấp dẫn với khách quốc tế và chuyên gia nước ngoài

Lai Châu: Sắp diễn ra Lễ hội PuTaLeng huyện Tam Đường “Về miền đỗ quyên”

Quảng Ninh và hành trình khôi phục du lịch 'thần tốc' dịp cuối năm

Thành phố Đà Lạt ‘chạy nước rút’ chỉnh trang đô thị, chào mừng Festival Hoa lần thứ X – năm 2024

Nhiều vấn đề cần cải thiện để ngành Du lịch tỉnh Khánh Hoà phát triển

Lào Cai: Sắp diễn ra Festival Bắc Hà 'Nghiêng say mùa Đông'

Ninh Bình lên kế hoạch đón khách du lịch dịp Tết Nguyên đán 2025

Hoàng Kim Group ra mắt mảng dịch vụ du lịch gia đình

Bay dù lượn: Cần được kiểm soát chặt, phòng tránh các rủi ro

Du khách nô nức ‘check-in’ thiên đường hoa dã quỳ ở núi lửa Chư Đang Ya, Gia Lai

Khai mạc Tuần lễ hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 ở Gia Lai

Du lịch Bình Thuận và lộ trình xanh hóa đến phát triển bền vững

Làm sao để tour du lịch kiến trúc Đà Lạt không còn dừng lại ở tiềm năng?

Hơn 14,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng 2024

Ngắm hoa dã quỳ khoe sắc trên triền núi lửa Chư Đang Ya mùa lễ hội

Cần Thơ: Đánh thức tiềm năng du lịch từ ‘Tinh hoa miền sông nước’

Sắp diễn ra Festival “Thổ cẩm Lào Cai - Sắc màu văn hóa” 2024

Tuần văn hóa, du lịch tỉnh Hòa Bình sẽ diễn ra từ ngày 15 - 23/11/2024