Năm 2017: Tăng cường kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ |
Theo đó, trên cơ sở căn cứ, bám sát các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng dự thảo với 4 quan điểm lớn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; Phát triển văn hóa, dân chủ xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ba chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu, ngoài nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương có 5 đơn vị bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần tập trung, nỗ lực tối đa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao từ việc theo dõi sát sao tình hình trong nước và thế giới, đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp; ổn định lãi suất cho vay; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...
Dự thảo cũng nêu 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu. Theo đó về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các Bộ trong tổ điều hành vĩ mô phải theo dõi sát diễn biến, cập nhật tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp. Năm 2016 đã đi qua những thời tiết rung lắc dữ dội như sự kiện Brexit, chứng khoán Trung Quốc, FED tăng lãi suất, điều chỉnh chính sách sau bầu cử ở một số nước.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách chủ động linh hoạt, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng, lưu ý kết cấu tín dụng, ổn định lãi suất 2017, phấn đấu giảm lãi suất trung dài hạn, quản lý thị trường ngoại tệ, vàng hiệu quả.
Phó Thủ tướng cho biết, năm tới dự kiến tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2017 là 250.000 tỷ đồng so với 280.000 tỷ đồng của năm 2016. Cơ cấu TPCP có sự thay đổi tích cực khi nguồn vốn từ ngân hàng giảm, các tổ chức tài chính khác tăng, kỳ hạn tăng.
“Điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu trừ cam kết quốc tế, hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong năng trả nợ. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn đầu tư ngân sách ngay từ đầu năm 2017”, Phó Thủ tướng nói.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, dự thảo nghị quyết yêu cầu rà soát đồng bộ các quy định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong đó tập trung hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN khởi nghiệp sáng tạo.
Các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp cận trình độ ASEAN-4.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh 3 đột phá chiến lược, yếu tố đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ có thể được coi là mũi thứ tư để tận dụng lợi thế, cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đối với tái cơ cấu kinh tế, gắn với tăng trưởng, dự thảo nghị quyết cho biết các đề án liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn xử lý nợ xấu… quyết tâm của Chính phủ trong quý 1/2017 tất cả các đề án đều phải được trình các cơ quan liên quan.
Phó Thủ tướng cho biết trong năm 2017 các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch… phải có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thu hút đầu tư, phát triển DN, đổi mới khoa học công nghệ, chú trọng sản xuất, chế biến sâu...; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh thị trường nội địa…
Bên cạnh đó cần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tăng cường bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Nghị quyết giao cụ thể cho các Bộ: Nông nghiệp, Xây dựng, Khoa học công nghệ, Tài nguyên môi trường chủ động triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên và môi trường, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu đặc biệt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó lũ lụt.
Trong thực hiện nhóm giải pháp cải cách hành chính, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng…
Đồng thời tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia thực hiện hiệu quả chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm tai nạn giao thông trên 3 tiêu chí, thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm. Bộ Quốc phòng, Công an sẵn sàng chuẩn bị lực lượng tham gia ứng phó với thiên tai, bão lũ.
“Khâu yếu nhất của chúng ta là tổ chức thực hiện, vì vậy lần này Nghị quyết giao rất kỹ. Trong tháng 1/2017, các Bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động, có đơn vị, cơ quan chủ trì cụ thể. Thường xuyên kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch đã đề ra, chủ động xử lý hoặc đề xuất cấp trên để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh”, Phó Thủ tướng nói.