Na Uy mong muốn hợp tác năng lượng mặt trời tại Việt Nam
Na Uy mong muốn hợp tác năng lượng mặt trời tại Việt Nam |
Chưa khai thác hết tiềm năng
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng dồi dào để phát triển năng lượng mặt trời và nhân rộng số lượng cũng như quy mô các dự án điện mặt trời trên cả nước, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Tiến sĩ Phạm Nguyên Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1- Tập đoàn Điện lực (EVNPECC1)- cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ cùng các bộ, ngành đã xác định phát triển dự án điện mặt trời là lựa chọn đầu tư tối ưu, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững. Chính phủ đã đề ra mục tiêu đưa điện mặt trời thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo chủ chốt. Hiện nay, công suất lắp đặt điện mặt trời ở mức 6-7 MW vào cuối năm 2015. Dự kiến, công suất này sẽ tăng lên 800MW vào năm 2020 (tương ứng với 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12,000MW vào năm 2030 (tương ứng với 3,3% tổng sản lượng điện).
Trước đó, vào tháng 4/2017, Chính phủ đã đưa ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg trong đó công bố giá mua điện mặt trời cố định ở mức 9.35 US cents/kWh. Ngày 12/09/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT để triển khai Quyết định này. Điều này đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ về phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, số các dự án có tầm cỡ và quy mô ở nước ta rất ít, việc phát triển nguồn điện này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Bà Ngô Thị Tố Nhiên- Chuyên gia tư vấn năng lượng, Dự án phát triển năng lượng tái tạo Ngân hàng Thế giới- thông tin thêm, hiện nay, phát triển dự án điện mặt trời ở Việt Nam chủ yếu nằm ở miền Trung và miền Nam. Miền bắc có 2 tỉnh là Thanh Hóa và Sơn La. Tuy nhiên, 2 tỉnh này số lượng dự án rất ít. Còn lại, chủ yếu phát triển ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh. Hiện, có 6 dự án đang xây dựng, dự kiến vận hành thương mại trước tháng 6/2019.
Như vậy, tính đến ngày 18/6/2018, đã có hơn 100 dự án điện mặt trời quy mô lớn được bổ sung vào quy hoạch điện cấp tỉnh/quốc gia. Trong đó, tổng công suất đăng ký là 4,70GW vào năm 2020 và thêm 1,77GW sau năm 2020.
Hợp tác đầu tư điện mặt trời nổi
Quyền Đại sứ Na Uy tại Việt Nam- Grete Lochen- cho biết, Na Uy là một trong các quốc gia đi đầu thế giới về nghiên cứu và phát triển các giải pháp cho năng lượng mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời nổi. Đây là một công nghệ tương đối mới nhưng đã đạt được những kết quả ấn tượng. Công nghệ này đặc biệt phù hợp với những nước nông nghiệp - nơi đất mặt đã trở thành mối quan tâm lớn đặc biệt trong các dự án điện mặt trời.
“Vì vậy, các doanh nghiệp Na Uy rất mong muốn được hợp tác, đầu tư và triển khai các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Trong thời gian tới các doanh nghiệp của hai nước có thể kết nối, hợp tác và phát huy đầy đủ tiềm năng hợp tác song phương trong lĩnh vực này”- bà Grete Lochen nhấn mạnh thêm.
Về phía Na Uy, ông Are Gloersen- Giám đốc khu vực châu Á của Công ty Ocean Sun- cho rằng, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Hệ thống sông, hồ của Việt Nam, trong đó có cả lòng hồ thủy điện rất phù hợp với các giải pháp công nghệ điện mặt trời nổi mà chúng tôi cung cấp. Với công nghệ này, chúng ta có thể phát triển điện mặt trời ở quy mô lớn mà không tác động tới đất nông nghiệp và hệ sinh thái trong nước. Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, khu vực có ánh nắng chính là địa điểm lý tưởng cho các trạm điện mặt trời PV nổi quy mô lớn lắp đặt.
Ưu điểm chính của năng lượng mặt trời nổi chính là tổng chi phí để đưa điện đến người tiêu dùng không quá khác biệt so với các trạm điện trong đất liền, hoặc thậm chí thấp hơn vì cần ít hạ tầng cấp điện hơn. Ngoài ra, xây dựng nhà máy điện mặt trời trên các hồ chứa hiện có sẽ tiết kiệm diện tích đất, chi phí thu hồi đất đai. So với các hệ thống truyền thống khác, điện mặt trời nổi dễ lắp đặt, an toàn ở biển; làm mát từ biển, từ đó cho công suất lớn hơn 10%; không cần tấm PV xoay vòng nhiệt hoặc rung do gió; chống bão…
Tuy nhiên, “thách thức đặt ra lại là hệ thống phao thường vận chuyển với giá không rẻ, từ 18-25 container/1MW. Vấy bẩn, phân chim, biến dạng đàn hồi ngoài khơi cũng là vấn đề lớn”- ông Erik Berger- Giám đốc kinh doanh Châu Á- lo ngại.
Về phía Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Nguyên Hùng cho biết, EVNPECC1 là doanh nghiệp tư vấn hàng đầu của ngành điện Việt Nam. Công ty đã và đang thực hiện công tác tư vấn thiết kế, khảo sát, thí nghiệm... và là tư vấn chính cho nhiều dự án công trình điện trọng điểm Quốc gia, với quy mô lớn, phức tạp ở Việt Nam cũng như các công trình điện ở nước ngoài. Công ty cũng mong muốn được hợp tác đầu tư, kinh doanh với Na Uy trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Hiện, EVNPECC1 đã từng bước tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời trong nước, tiêu biểu là các dự án: Cụm Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1(1A&1B) tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 250MW: PECC1 tham gia với vai trò Tư vấn của Tổng thầu EPC, có tham gia thêm mảng xây lắp.
Một số Dự án Điện mặt trời có công suất đến 50MW khác như: ĐMT Ami Bình Thuận, ĐMT Ami Khánh Hòa, ĐMT Bình Phước, ĐMT Cam Lâm, ĐMT Thiên Ân Krong Pa, ĐMT Hacom Solar, ĐMT Vĩnh Hảo 4… etc. PECC1 tham gia với các vai trò: BC Đề xuất đầu tư, BC Bổ sung quy hoạch, Lập FS, Lập hồ sơ mời thầu EPC, Tư vấn giám sát, Tư vấn QLDA, Thẩm tra BC Nghiên cứu khả thi…