Một huyện ở Hưng Yên tước 94 bằng lái xe của cán bộ vi phạm nồng độ cồn
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, ngay từ đầu năm 2024, Công an huyện Khoái Châu đã xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, trong đó chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồnđược xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nghiêm minh với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật.
Công an huyện Khoái Châu tích cực tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức về việc “Đã uống rượu, bia là không lái xe - an toàn cho bạn và an toàn cho xã hội”. Ảnh: Công an huyện Khoái Châu |
Công an huyện Khoái Châu đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Văn hóa và Phát thanh huyện tổ chức tuyên truyền nhiều bài viết trên các trang mạng xã hội, phát thanh trên hệ thống loa phát thanh của các xã, thị trấn, các khu vực ngã tư có loa phát thanh về sự nguy hiểm của việc sử dụng rượu, bia khi lái xe; các hình thức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; sự quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm của cơ quan chức năng.
Đặc biệt, nhằm giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, cán bộ đội Cảnh sát giao thông - Công an huyện Khoái Châu đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia tại các doanh nghiệp, trường học.
Trong đó, đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền tại các nhà hàng, quán ăn và tặng biểu trưng “Đã uống rượu, bia là không lái xe - an toàn cho bạn và an toàn cho xã hội” cho 63 nhà hàng, quán ăn.
Bên cạnh đó, tặng 1.680 biểu trưng "Đã uống rượu, bia là không lái xe - an toàn cho bạn và an toàn cho xã hội" cho 1.680 người điều khiển ô tô trên địa bàn huyện.
Công an huyện Khoái Châu đã tích cực tuyên truyền phổ biến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tác hại của rượu, bia bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tặng logo cho người dân hay ký cam kết với các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn. Ảnh: Công an huyện Khoái Châu |
Cùng với công tác tuyên truyền, thời gian qua, Công an huyện Khoái Châu đã tăng cường, bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn, nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm, tập trung đông người để tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát lỗi vi phạm nồng độ cồn, bởi đây là một trong những lỗi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông.
7 tháng đầu năm 2024, Công an huyện đã phát hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn 277 trường hợp, xử phạt hơn 1 tỷ đồng, tạm giữ 8 xe ô tô con, 269 xe mô tô, tước 94 giấy phép lái xe và gửi thông báo vi phạm đến cơ quan, chi bộ đối với các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn, để có biện pháp xử lý …
Việc ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý đối với lỗi vi phạm này đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Nhận thức của nhân dân từng bước được thay đổi, nhiều người đã biết từ chối uống bia, rượu khi lái xe ô tô, nhiều người biết chủ động chọn phương tiện di chuyển phù hợp khi đã sử dụng rượu, bia, dần hình thành thói quen, văn hoá giao thông “Ðã uống rượu, bia không lái xe”.
Từ đó, giảm thiểu được những ảnh hưởng xấu của rượu bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng và an toàn giao thông; góp phần xây dựng một xã hội văn minh, lịch sự và an toàn. Tuy nhiên, vẫn có bộ phận người tham gia giao thông còn lơ là, chủ quan điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia.
Công an huyện Khoái Châu thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý các vi phạm về nồng độ cồn. Ảnh: Công an huyện Khoái Châu |
Đại tá Lê Văn Trưởng - Trưởng Công an huyện Khoái Châu - cho biết, trong thời gian tới, Công an huyện Khoái Châu sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện để tăng cường công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông nói chung và vi phạm nồng độ còn nói riêng với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả hơn.
Thực hiện hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn... theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” góp phần thay đổi văn hóa và ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân theo hướng trách nhiệm, tích cực, phòng ngừa tai nạn giao thông do lỗi vi phạm này gây ra.