Chủ nhật 22/12/2024 19:18

Mở rộng hơn nữa đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn chính sách tín dụng

Chính sách tín dụng với người nghèo và đối tượng chính sách đã đi vào cuộc sống, song để nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ thì vẫn còn rào cản cần tháo gỡ...

Từ thực tiễn tại tỉnh miền núi Hòa Bình, phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thảo - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình xoay quanh vấn đề chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Là tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua Hòa Bình đã trích ngân sách địa phương uỷ thác sang ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho vay một số đối tượng trên địa bàn. Đây là cách làm hay được giới chuyên gia và nhiều địa phương đánh giá cao. Chia sẻ của bà về cách làm ở địa phương mình?

Bà Đinh Thị Thảo - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình

Hòa Bình là một trong những địa phương, minh chứng sinh động cho tính ưu việt của tín dụng chính sách trong 20 năm qua. Là tỉnh miền núi có tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%, đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, mạng lưới cho vay là 151/151 xã/phường, thị trấn có điểm giao dịch.

Tỉnh Hòa Bình chủ yếu thu ngân sách là hỗ trợ từ trung ương nhưng thực hiện theo Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, 20 năm qua, hệ thống chính trị của tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc, có sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND.

Theo đó, Tỉnh ủy cũng đã có chương trình hành động, UBND tỉnh cũng có kế hoạch ban hành cụ thể. Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành chính sách rất đặc thù đối với tỉnh Hòa Bình thực hiện tín dụng chính sách, đó là hỗ trợ cho người lao động đi lao động nước ngoài.

Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở Tây Bắc của Tổ quốc, với dân số hơn 85 vạn người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%. Những năm qua, Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực để đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhờ phát huy hiệu quả dòng vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát nghèo.

Mặc dù là tỉnh còn rất nghèo nhưng hàng năm UBND tỉnh và UBND các huyện đã dành 1 phần ngân sách của mình để chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để ủy thác cho vay, mỗi năm phấn đấu khoảng 30 tỷ.

Cho đến nay, Hòa Bình đã có 146 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương chuyển qua ngân hàng chính sách xã hội để ủy thác cho vay đối với người nghèo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh còn vấn đề gì khiến bà trăn trở?

Một trong những nội dung chúng tôi còn trăn trở đó là tỷ lệ vốn từ tín dụng chính sách dành cho các đối tượng chưa phủ sóng được. Hiện còn nhiều đối tượng cần được hỗ trợ từ ngân hàng chính sách xã hội, từ tín dụng chính sách, đặc biệt những đối tượng có nhu cầu tiếp cận nguồn tín dụng chính sách để phát triển kinh doanh, sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động thông qua các doanh nghiệp, công ty với tính chất lâu dài và ổn định.

Nhờ phát huy hiệu quả dòng vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhiều hộ dân đã thoát nghèo

Vì vậy, tôi mong muốn trong thời gian tới, nguồn tín dụng chính sách với tỷ lệ lớn hơn so với thời điểm hiện nay để các đối tượng chính sách được tiếp cận, đặc biệt với các doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng như vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhằm phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, bà có đề xuất gì?

Tín dụng chính sách muốn phát huy hiệu quả cũng như tiếp tục thể hiện tính ưu việt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tôi cho rằng trước hết cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Chúng ta tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương, đặc biệt chủ lực vẫn là ngành dân tộc cùng với ngân hàng chính sách xã hội phải có những quy chế phối hợp cụ thể, chặt chẽ.

Những năm qua, vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; được xem như “bà đỡ” cho người dân trên hành trình vượt khó. Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 18 nghìn lượt khách hàng vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Trong đó, hơn 6.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; hơn 3,3 nghìn lao động được tạo việc làm; xây dựng, nâng cấp 13 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh tại vùng nông thôn.

Ngân hàng chính sách xã hội phải chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương để có sự phối hợp tốt hơn nữa. Theo đó, giữa ngân hàng chính sách xã hội của các cấp với cơ quan công tác dân tộc phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền, tuyên truyền phổ biến để các đối tượng được tiếp cận tín dụng chính sách; ghi nhận biểu dương những điển hình tiên tiến về tín dụng chính sách…

Đồng thời, phải xác định các chủ thể tham gia hoạt động tín dụng chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông, đối tượng (đặc biệt ở cơ sở), tổ tiết kiệm, tổ vay vốn… có nội dung nâng cao năng lực.

Những năm vừa qua, ngân hàng chính sách xã hội đã làm tốt nội dung này tuy nhiên tới đây chúng ta cần làm bài bản hơn nữa về việc nâng cao năng lực, đặc biệt các trình tự thủ tục cho vay từ dưới cơ sở, nhất là tổ tiết kiệm vay vốn trong việc họp bình xét đối tượng thụ hưởng và làm cho các đối tượng thụ hưởng thấy được quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của họ khi được tiếp cận với nguồn này để họ dần phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực bản thân mỗi một gia đình mỗi một đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách…

Bên cạnh đó, việc thẩm định nội dung chương trình, phương án về sản xuất kinh doanh phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, không thể qua loa, từ đó chúng ta mới thấy được tác dụng hiệu quả của nguồn vốn đến với các đối tượng.

Chính phủ nên mở rộng đối tượng được tiếp cận nguồn chính sách tín dụng

Một trong những vấn đề chúng tôi tiếp tục kiến nghị, đó là: Chính phủ nên mở rộng đối tượng được tiếp cận nguồn này, như: Những người lao động, công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên chưa có việc làm ổn định; các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; mở rộng tới các đối tượng ở khu vực thị trấn, phường chứ không chỉ riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ có người đồng bào…

Đặc biệt, cần nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tín dụng chính sách thực sự là đòn bẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng phải bắt nguồn từ các cá nhân, tổ chức cụ thể, đặc biệt ranh giới giữa cận nghèo và thoát nghèo rất mong manh nên tôi mong muốn mở rộng đến các đối tượng không phải là nghèo nữa nhưng là những hộ có mức sống trung bình, đối tượng vừa thoát nghèo cũng nên tiếp tục được thụ hưởng tiếp cận nguồn chính sách tín dụng này.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: nguồn vốn tín dụng

Tin cùng chuyên mục

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Sẽ có 5 ngân hàng được nới room tín dụng?

VietinBank được vinh danh trong Top 50 Doanh nghiệp niêm yết thực hành quản trị công ty tốt nhất

Không giới hạn số lần cơ cấu lại nợ cho khách hàng ảnh hưởng bởi cơn bão số 3

Tân Tổng Giám đốc 8X của PGBank là ai?

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất trong năm 2025?

Ngân hàng Techcombank tham gia vào kỷ nguyên đầu tư mới

Khi giới trẻ được học cách làm chủ tài chính

Techcombank lập 'hat-trick' giải thưởng quốc tế với giải pháp quản trị nguồn vốn C-Cash

Đã có bao nhiêu ngân hàng công bố khung trái phiếu xanh?

Techcombank đồng hành cùng Bloomberg Business Week Vietnam tổ chức 'Vietnam Investment Summit 2024'

Ba ngân hàng quốc doanh chuẩn bị chi trả cổ tức ‘khủng’

Hơn 3.000 điểm bán của Thế Giới Di Động trở thành đại lý thanh toán của VPBank

Lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới