Kết quả tăng trưởng GDP quý III/2021 âm 6,17% so với cùng kỳ 2020 kéo giảm những thành quả mà Việt Nam đạt được trong 2 quý trước đó, và tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 1,42%, thấp hơn rất nhiều mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Chia sẻ tại một hội thảo trực tuyến mới đây về bức tranh kinh tế Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam - khẳng định, mở cửa là cứu cánh để chúng ta có thể phục hồi kinh tế. Theo ông Thành, để đạt được mức tăng trưởng trở lại trong quý IV phải mở cửa ngay nền kinh tế và duy trì trạng thái mở cửa đó chứ không thể quay lại giãn cách trên diện rộng như thời gian qua. Bởi nếu cứ mở rồi lại đóng thì chẳng những không có phục hồi kinh tế mà sẽ dẫn đến đổ vỡ kinh tế trong năm 2022.
Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng, GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm. Đặc biệt, nền kinh thế thế giới được dự báo tăng trưởng 5,6% trong năm 2021, vì thế nếu không mở cửa để trở lại, Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là đối tác của Việt Nam đang phục hồi.
Dựa trên kết quả tăng trưởng GDP quý III/2021 và 9 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa trình Chính phủ 2 phương án tăng trưởng GDP cả năm. Theo đó, ước cả năm tăng trưởng GDP đạt 3-3,5%. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm, quý IV cần đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên. Còn để đạt mục tiêu tăng trưởng 3,5% cả năm, quý IV cần đạt tăng trưởng 8,84% trở lên.
Cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa nền kinh tế |
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tăng trưởng quý đạt mức 7% trở lên là con số Việt Nam từng đạt được trong quá khứ, tuy nhiên, quý IV/2021 có rất nhiều đặc điểm phụ thuộc vào đề án thích ứng an toàn với dịch, nên để đạt được mục tiêu đề ra, cần một số điều kiện. Cụ thể, đối với doanh nghiệp không bị "đóng băng" hay đóng cửa, không ngừng hoạt động thì lao động phải được dịch chuyển, có biện pháp y tế đảm bảo an toàn, tránh tình trạng thiếu lao động tức thời hiện nay. Đối với hàng hóa, nguyên liệu sản xuất phải được lưu thông, trong đó đáng chú ý là lưu thông giữa các địa phương. Có được như vậy mới hỗ trợ được tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, trong bức thư gửi chung đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho biết, có ít nhất 20% thành viên của các hiệp hội đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang quốc gia khác. Trong khi đó, nhiều thành viên cũng đang trao đổi với trụ sở chính để quyết định xem chuyển đổi sản xuất như thế nào. Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa ngay từ bây giờ.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu được xem là cơ hội "ngàn vàng" để Việt Nam nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động lại nền kinh tế. Và cũng là con đường không thể nào khác được nếu Việt Nam muốn cải thiện tăng trưởng quý IV và cả năm 2021, thậm chí cả 2022.
Ông VŨ TIẾN LỘC - Chủ tịch VIAC: GDP sẽ "đảo chiều" khi các biện pháp mở cửa thị trường được kích hoạt, theo đó Việt Nam vẫn có khả năng tăng trưởng vào quý IV/2021 và năm 2022. |