Miền Trung: Gồng mình ứng phó bão số 5, an toàn của người dân là quan trọng hàng đầu
Khẩn trương ứng phó
Bão số 5 đang dần tiến gần bờ và được dự báo sẽ đổ bộ lên các địa phương trực tiếp từ tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi. Trong sáng 11/9, các địa phương đều có công điện ứng phó với cơn bão này.
Sáng nay, ảnh hưởng của bão số 5, các địa phương từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi đã có mưa lớn, có nơi lên đến 300mm (Ảnh: Đường phố TP. Đà Nẵng trưa 11/9, nhiều nơi ngập cục bộ do mưa lớn và nước chưa kịp thoát) |
Trong công điện khẩn, các địa phương đều yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp với các liên quan sẵn sàng sơ tán, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là người dân tại các khu vực vùng trực diện với bão, nhà không kiên cố, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét… Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các lực lượng chức năng rà soát đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào, thực hiện trước 17h chiều 11/9. Tỉnh Quảng Nam lưu ý sơ tán dân tại các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Tổ chức neo, đậu lồng bè, quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, không để người ở lại các lồng bè, chòi canh; yêu cầu neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, đưa các thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ. Các địa phương nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Các địa phương đồng loạt hạn chế người dân ra khỏi nhà (tỉnh Quảng Ngãi, người dân tại huyện Lý Sơn, Bình Sơn không ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12h trưa nay (11/9) để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh (dưới cấp 6; tỉnh Quảng Nam từ 20h ngày 11/9; các địa phương Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng khi có gió mạnh sẽ ban hành lệnh cấm ra đường khi có gió mạnh, dự kiến đêm 11/9).
Hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, nhất là các hộ có hòan cảnh khó khăn, các hộ dân đang phải điều trị Covid – 19 hoặc thực hiện cách ly tập trung; tổ chức khẩn trương thu hoạch và hỗ trợ thu hoạch lúa chín hạn chế thiệt hại cho người dân…
Ngành Công Thương các địa phương phối hợp với các quận, huyện, thị xã... có phương án đảm bảo lương thực, nước uống, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cho người dân trong và sau bão; đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại những trung tâm mua bán, siêu thị, chợ….; rà soát công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao bị chia cắt, cô lập.
Các sở, ngành khác theo nhiệm vụ chức năng tùy theo tình hình của bão số 5 để ứng phó chủ động.
Công tác ứng phó với bão số 5 được thực hiện ưu tiên “4 tại chỗ” và phải đảm bảo phòng chống dịch.
An toàn cho người dân là trên hết, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm
Sáng 11/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5 tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5 tại Âu thuyền, Cảng cá Thọ Quang sáng 11/9 |
Theo báo cáo của Ban Quản lý Âu thuyền cảng cá Thọ Quang, hiện trong khu vực âu thuyền có hơn 700 tàu với gần 1.000 ngư dân đang neo đậu để tránh bão số 5. Các tàu mới vào được sắp xếp ở một khu vực riêng và số lượng thuyền viên trên tàu được quản lý chặt chẽ. Trong tình hình nếu mưa bão lớn và buộc phải di chuyển lên bờ, các ngư dân sẽ được test nhanh Covid – 19. Các điểm ăn, ở cho ngư dân cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ.
Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu quận Sơn Trà sẵn sàng phương án và địa điểm bố trí cách ly tập trung nếu phải di chuyển ngư dân vào bờ trú bão. Đồng thời, giao BQL Âu thuyền phải bảo đảm đủ nước, lương thực thực phẩm để hỗ trợ cho ngư dân yên tâm trú bão. Ngoài ra, đề nghị các đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc neo đậu tàu.
Tại cảng Tiên Sa, Bí thư Thành ủy yêu cầu Cảng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tàu cùng hàng hóa trong khu vực cảng. Từ sáng 11/9, cảng Tiên Sa đã tạm thời đóng cửa không cho người và phương tiện ra vào. Hàng hóa, container trên các kho bãi đều được sắp xếp theo từng khối và neo chằng cẩn thận, các cần cẩu cũng được hạ độ cao và neo cố định để bảo đảm an toàn.
Tại buổi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 5 tại huyện Duy Xuyên, TP. Hội An, Thị xã Điện Bàn vào sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – ông Phan Việt Cường yêu cầu lãnh đạo các địa phương tập trung mọi lực lượng, giải pháp với tinh thần đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân là trên hết, trong đó, thực hiện hiệu quả “4 tại chỗ” và đảm bảo 5K. Tuyệt đối không để người dân đi lại không cần thiết.
Song song với ứng phó với bão số 5, tỉnh Quảng Nam cũng duy trì triển khai các biện pháp phòng chống dịch, nhất là khẩn trương chống chế dịch bệnh tại Thị xã Điện Bàn. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu các địa phương tập trung quyết liệt dập dịch. Doanh nghiệp nào không có phương án hoặc phương án sản xuất không được duyệt thì phải cương quyết ngừng sản xuất.
Để phòng chống dịch Covid – 19, từ 0h ngày 12/9, Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam lưu ý Thị xã Điện Bàn, ngành Công Thương tỉnh phải chăm lo chu đáo cho người dân, dứt khoát không được để xảy ra tình trạng thiếu đói trong nhân dân.
Được biết, để ứng phó với bão số 5, sáng nay, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã chủ động chuyển 14 tấn gạo vào vùng có nguy cơ sạt lở gồm 3 xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc. Gạo được xe tải chở đến các điểm cất trữ của mỗi xã đề phòng trường hợp các địa phương bị cô lập nhiều ngày. Chủ tịch UBND xã Phước Lộc – ông Lưu Huyền Thoại cho biết xã đã nhận 5 tấn gạo huyện cấp. Xã cũng đã tích trữ gần 10 tấn gạo. Hai nguồn này sẽ đảm bảo lương thực cho người dân xã trong khoảng 1 tháng nếu xảy ra trường hợp bị cô lập.
Theo BCĐ Quốc gia phòng chống thiên tai, tính đến 17h chiều 11/9, các địa phương khu vực miền Trung đã kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp an toàn cho: 71.500 phương tiện/349.000 lao động; hướng dẫn triển khai các biện pháp ứng phó trong điều kiện Covid-19 để sẵn sàng sơ tán đối với 331.000 người.Đảm bảo an toàn các hồ chứa và 25 trọng điểm đê điều xung yếu. Đề nghị các nhà mạng đồng loạt nhắn tin đến các thuê bao trong vùng ảnh hưởng của bão. Dừng tất cả các công trình đang thi công, tránh trường hợp như sự cố Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020. Chủ động triển khai các phương án khắc phục sau bão: bố trí các luồng xanh để vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị; sẵn sàng khôi phục, sửa chữa nhà cửa khi bão tan; không để tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Một số hình ảnh tại TP. Đà Nẵng ứng phó với bão số 5 ngày 11/9:
Mưa to tại TP. Đà Nẵng gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người dân, gió cũng dần mạnh lên |
Để ứng phó với bão số 5, từ trong chiều tối 10/9 và ngày 11/9, lực lượng chức năng (đoàn thanh niên, các tổ Covid - 19) tại các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang khẩn trương hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ tôm cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện |
Các chốt kiểm soát dịch Covid - 19 mềm tạm thời tháo dỡ để đảm bảo an toàn |
Người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa |
Thị trường hàng hóa TP. Đà Nẵng ngày 11/9 vẫn duy trì ổn định như những ngày trước đây |
Các chợ truyền thống được phép mở cửa, các trung tâm thương mại, siêu thị vẫn duy trì cung ứng hàng hóa, giao hàng cho người dân |
Để đảm bảo phòng chống dịch, các tổ Covid - 19 cộng đồng, tổ cung ứng lương thực, thực phẩm tại các tổ dân phố khu vực vùng vàng, vùng đỏ đi nhận hàng, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân |