Miền Đông Nam bộ: Dồn lực để duy trì sản xuất và lưu thông hàng hoá
Dồn lực để duy trì sản xuất
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh - cho biết, do tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới đang gia tăng, đặc biệt là các nước giáp biên giới Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN ) trên địa bàn Tây Ninh đều bị ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, các DN đã chủ động thực hiện các biện pháp vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, nhờ đó vẫn giữ được sự ổn định trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá.
Theo ông Tuấn, mặc dù dịch Covid-19 đang tiếp tục xảy ra tại nhiều quốc gia, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Tây Ninh vẫn giữ được đà tăng trưởng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2.212,2 triệu USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 93,9 triệu USD, tăng 62,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 36.114,44 tỷ đồng, tăng 17,57% so với cùng kỳ năm trước.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các sở ngành và cộng đồng DN tập trung tối đa mọi nguồn lực để phòng chống dịch. Mặt khác, các ngành các cấp dồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, nguyên liệu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho DN duy trì hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá và xuất khẩu, đây là nhiệm vụ trong tâm của tỉnh và đang được quyết liệt triển khai trên diện rộng", ông Tuấn chia sẻ.
Hàng hoá tiêu dùng thiết yếu ở Bà Rịa - Vũng Tàu dồi dào, giá bán ổn định bất chấp dịch Covid-19 |
Tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), kế hoạch duy trì mạch sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, lưu thông hàng hoá, đảm bảo việc làm cho công nhân cũng đã được các cấp chính quyền và cộng đồng DN tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện.
Theo bà Trương Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 của Đồng Nai đã tăng 6,67% so cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,39%. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 2,06 tỷ USD, tăng 1,04% so tháng trước; lũy kế 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 9,57 tỷ USD, tăng 32,3% so cùng kỳ.
Bà Dung đánh giá, mặc dù dịch bệnh đang gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hộ cá thể trên địa bàn Đồng Nai, tuy vậy các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN hiện vẫn được duy trì bình thường; việc làm của người lao động trong các ngành công nghiệp, thương mại vẫn được ổn định.
Không để chuỗi lưu thông hàng hoá bị đứt gãy
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh BR- VT - cho hay, tổng doanh thu thương mại - dịch vụ của BR - VT trong tháng 5/2021 ước đạt 11.394,22 tỷ đồng, tăng 4,57% so với cùng kỳ. Dù lĩnh vực thương mại - dịch vụ đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid- 19 nhưng nhìn chung hoạt động mua bán hàng hoá cơ bản đã hồi phục và chỉ số phát triển đã tiệm cận gần với những thời điểm bình thường.
Để duy trì được nhịp độ tăng trưởng của ngành thương mại - dịch vụ, ông Đồng nói rằng, ngành Công Thương tỉnh BR - VT đã và đang triển khai các giải pháp quản lý về thương mại, thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản, trực tiếp gửi công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Nhờ đó, thị trường bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương. Hiện tại, Sở đang xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh Covid- 19.
Saigon Co.op tăng lượng hàng hoá từ 30 - 40% để phục vụ người tiêu dùng trong thời điểm dịch Covid- 19 đang lan rộng trên địa bàn |
Đối với TP. Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 5 tháng đầu năm ước đạt 456.104 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của các DN TP. Hồ Chí Minh qua các cửa khẩu của thành phố 5 tháng đầu năm ước đạt 17,52 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ. Như vậy, hoạt động thương mại - dịch vụ của thành phố vẫn giữ được đà tăng trưởng, kiểm soát tốt trước tình hình khó khăn bởi dịch bệnh và đang tiếp tục điều tiết nhịp độ cung - cầu hàng hoá trong điều kiện dịch bệnh đang lan rộng.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Nguyên Phương - cho hay, ngành Công Thương thành phố đang quyết liệt các giải pháp để cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu với giá ổn định để phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, Sở đã chủ động làm việc với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart… về tình hình chứa trữ, cung ứng hàng hoá ra thị trường. Theo đó, các DN này cam kết sẽ cung ứng lượng hàng hóa liên tục, dồi dào cho mạng lưới kinh doanh trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Chưa hết, theo ông Phương, Sở cũng đã yêu cầu các DN kinh doanh phải đảm bảo cung ứng đầy đủ, liên tục, thông suốt các mặt hàng xăng dầu; lương thực, thực phẩm thiết yếu; khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá trước bất kỳ diễn biến nào của dịch bệnh.
Đại diện các nhà bán lẻ, Tổng giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức - thông tin, tại các điểm kinh doanh của Saigon Co.op, hàng hóa thiết yếu luôn được dự trữ với số lượng tăng từ 30 - 40% so với ngày thường và lượng hàng hóa của Saigon Co.op từ các tỉnh đang cung ứng cho thị trường thành phố vẫn ổn định, thông suốt, nhất là các mặt hàng thiết yếu đối với nhu cầu của người tiêu dùng.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.