Công điện của Bộ Công Thương về cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương ảnh hưởng bão số 3
Chỉ đạo điều hành 14/09/2024 18:20
Kịp thời cung ứng nhu yếu phẩm và hàng hoá thiết yếu đến các vùng bị chia cắt bởi bão, lũ Thủ tướng: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân bị ảnh hưởng do bão số 3 |
Bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu, xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá
Công điện gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Các thương nhân, các hiệp hội ngành hàng sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa.
Bộ Công Thương yêu cầu không để thiếu hàng hoá thiết yếu sau bão, lũ; kiểm tra, xử lý việc găm hàng, tăng giá (Ảnh: Cấn Dũng) |
Công điện nêu rõ, thực hiện các công điện của Chính phủ về khắc phục hậu quảbão số 3 và mưa lũ sau bão, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý (đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và các loại vật tư, sinh phẩm, giống cây trồng, vật nuôi…), phục vụ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân sau bão, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Tổ công tác tiền phương được thành lập theo Quyết định số 2421/QĐ-BCT ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về cung ứng, điều tiết hàng hoá thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác (ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ miền Trung và miền Nam) khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu, chú trọng hàng hóa cho nhu cầu học tập của học sinh, chữa bệnh của bệnh nhân, cho nhóm người yếu thế trong xã hội tại các địa phương chịu tác động nặng nề của mưa, lũ.
Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý trong tình huống khẩn cấp, báo cáo kịp thời Lãnh đạo Bộ trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Phối hợp với các cơ quan, báo chí cung cấp thông tin về tình hình cung ứng thị trường hàng hoá thiết yếu kịp thời.
Về phía Tổng cục Quản lý thị trường, tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 6815/CĐ-BCT ngày 8 tháng 9 năm 2024 của Bộ trưởng; Chỉ đạo toàn bộ lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính, gây tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp theo dõi tình hình sản xuất các mặt hàng công nghiệp, trong đó chú trọng đến các mặt hàng thực phẩm công nghiệp, mặt hàng sắt thép, chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất đảm bảo nguồn cung nhằm ổn định giá cả và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ phục vụ quá trình sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại nhà cửa, cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương sau bão số 3.
Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm phối hợp cùng Vụ Thị trường trong nước trong việc rà soát các nguồn cung nông sản, đảm bảo việc cân đối hài hòa giữa đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của nước ta, có ưu tiên thúc đẩy, hỗ trợ các loại nông sản từ các địa phương miền Bắc sắp đến kỳ thu hoạch.
Đảm bảo cung cấp điện, xăng dầu và hàng hoá thiết yếu
Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực các tỉnh ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm phục vụ công tác tiêu úng, chống ngập để sớm khôi phục lại các vùng trồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, cung cấp nước sạch cho tiêu dùng, nước ngọt cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi bão để huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để sớm hỗ trợ khắc phục sự 3 cố hệ thống điện do bão gây ra nhằm đảm bảo khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
"Các thương nhân đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình (từ đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ), duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống" - Công điện nêu rõ.
Song song với đó, chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng, phương tiện vận tải đường bộ để kịp thời cung ứng xăng dầu, nhất là khu vực miền Bắc. Có phương án cung cấp xăng dầu lưu động đến những khu vực ngập, lụt, mất điện chưa khôi phục ngay được cơ sở hạ tầng.
Các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu phù hợp, cung ứng đủ, kịp thời xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hợp đồng đã ký nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường miền Bắc.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá thiết yếu, tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho các địa phương; Ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng,... cho nhu cầu tại các vùng bị thiệt hại do bão, mưa, lũ.
Đối với các doanh nghiệp phân phối, rà soát, tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh phía Bắc, ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ, ngập lụt, chia cắt cục bộ bằng biện pháp và phương tiện phù hợp, đảm bảo an toàn.
“Không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào; Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, Sở Công Thương trên địa bàn các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, cung cấp hàng hóa cứu trợ, hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn bị chia cắt” – công điện nêu.
Các địa phương tăng cường phối hợp trong cung ứng hàng hoá
Công điện yêu cầu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập cần theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai các biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và các nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… thực hiện cam kết bình ổn giá hàng hóa.
Song song với đó, đánh giá tình hình diễn biến thực tế tại địa phương và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trong trường hợp cần thiết, có văn bản gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp.
Các biện pháp bình ổn giá bao gồm: điều hòa cung cầu hoặc định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và có quy định khác về việc thực hiện bình ổn giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn để có phương án cung cấp hàng hóa lưu động trong khu vực, tăng cường công tác kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng từ các địa phương khác để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố kế hoạch sửa chữa, khắc phục cơ sở hạ tầng chợ bị ảnh hưởng do bão đồng thời có phương án bố trí địa điểm kinh doanh tạm thời cho các tiểu thương tại chợ để tránh gây gián đoạn việc cung ứng hàng hóa cho người dân.
Tại các địa phương miền núi bị sạt lở còn nhiều khu vực bị chia cắt, giao thông gặp khó khăn, đề xuất nhu cầu điều phối nguồn hàng thiết yếu qua các kênh phân phối để kịp thời cung cấp cho người dân; Chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, giao thông vận tải, y tế, giáo dục và các thương nhân kinh doanh tăng cường vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, đồ dùng học tập đến các vùng hiện đang bị chia cắt, cô lập, khó khăn, thiếu thốn.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm đến kỳ thu hoạch, xuất chuồng nhưng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.
Các địa phương cũng có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh các hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tăng cường vận chuyển, bổ sung nguồn cung hàng hóa có nhu cầu lớn như lương thực, thực phẩm từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, góp phần ổn định giá cả, thị trường. Có phương án cung cấp hàng hóa lưu động, nhất là những mặt hàng thiết yếu, xăng dầu đến những khu vực ngập, lụt, mất điện chưa khôi phục được hạ tầng điện và hạ tầng thương mại.
Thêm nữa, chủ động rà soát, phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về nhu cầu hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu dành cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra như bị mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu thì được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có phương án trợ giúp xã hội khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Chủ động cung cấp thông tin về tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa thiết yếu đến các phương tiện truyền thông tại địa bàn, các địa điểm.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khác rà soát năng lực cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có phương án để chủ động phối hợp hoặc báo cáo Bộ Công Thương phối hợp điều phối nguồn hàng cho các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ.
Đồng thời, chủ động nghiên cứu, rà soát để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các nội dung phù hợp tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước trong tình hình trước mắt.
Tích cực phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh miền Bắc trong hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm đến vụ thu hoạch, xuất chuồng nhưng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.