Mẹo tránh mất tiền oan khi dùng thẻ tín dụng
Khi thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng, bạn nên giám sát nhân viên thu ngân và để thẻ tín dụng trong tầm mắt.
- Thẻ tín dụng là một trong những sản phẩm hữu ích và phổ biến nhất của ngành ngân hàng trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, cùng với sự lớn mạnh của các ngân hàng bán lẻ, lượng người dùng thẻ cũng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn khá lơ là về những cảnh báo an ninh khi sử dụng, tạo kẽ hở cho kẻ gian ăn cắp tiền.
Nguyên tắc số một để tiêu xài thẻ tín dụng an toàn là bằng mọi giá không để lộ thông tin cá nhân, thông tin in trên thẻ nên tuyệt đối không cho mượn thẻ hay chụp ảnh lại. Trên thực tế, khác với thẻ ghi nợ nội địa (ATM), khi thanh toán online bằng thẻ tín dụng, không nhiều ngân hàng và trang web tại Việt Nam hỗ trợ phương thức hỏi thêm mật khẩu dùng một lần (one time password - OTP).
Khác với thẻ nội địa ATM, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống chỉ yêu cầu nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ (CVV). Tất cả đều được in ở mặt trước và mặt sau của thẻ tín dụng. Do đó, một trong những mẹo hay được sử dụng là chủ thẻ ghi nhớ mã CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ) rồi dán kín chúng lại (hoặc cạo trực tiếp trên thẻ cho mờ hẳn).
Việc này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng đọc thẻ khi thanh toán trực tiếp. Trong khi đó, nếu kẻ gian sao lưu, chụp lại thông tin thẻ cũng không có được CVV nên không thể chi tiêu online. Thậm chí, bạn có thể xóa cả ngày thẻ hiệu lực và hết hạn ở mặt trước của thẻ để tăng sự an toàn. Tuy nhiên, lưu ý là cách này không áp dụng cho những khách hàng đãng trí, hay quên.
Với các giao dịch thanh toán tại chỗ, hiện nay ở hầu hết siêu thị, nhà hàng, khách sạn..., nhân viên thu ngân không đưa máy cho khách tự quẹt mà trực tiếp cầm thẻ và thực hiện giao dịch. Việc này tiềm ẩn nguy cơ gian lận lớn, nhân viên đó có thể chụp lại thông tin thẻ bất cứ lúc nào. Do đó, lời khuyên của các chuyên gia an ninh ngân hàng là luôn để thẻ tín dụng của bạn trong tầm mắt. Ngoài ra, cũng cần theo dõi để kiểm soát việc nhân viên thu ngân có nhập đúng số tiền thực phải trả hay không.
Giám đốc Trung tâm thẻ của một ngân hàng có thị phần lớn cho biết, phần lớn rủi ro đến từ những kẽ hở trong các giao dịch thanh toán trực tuyến. Theo ông, một số trang web không uy tín, thậm chí họ mở ra chỉ để "mồi" lấy cắp dữ liệu, thông tin cá nhân. "Do đó, khi tham gia các chương trình trực tuyến, bạn nên cân nhắc và hạn chế khi cung cấp những thông tin cá nhân nhạy cảm cho đối tác không quen biết. Ngoài ra, nên mua hàng và thanh toán ở những nơi có uy tín, được sự tư vấn tốt của cộng đồng mạng", vị này khuyên.
Tuy nhiên, để tránh việc bị lấy cắp thông tin thẻ khi giao dịch online, khách hàng có thể dùng hai thẻ thanh toán nội địa (thẻ ATM) và thẻ trả trước quốc tế (Visa/MasterCard Prepaid). Khi cần mua bán trực tuyến, bạn sẽ chuyển từ tài khoản thẻ ATM vào thẻ trả trước đúng số tiền cần dùng hoặc nhiều hơn một chút. Với cách này, toàn bộ rủi ro của thẻ trả trước là số tiền mà bạn còn trong đó nên không lo ngại bị kẻ gian lợi dụng.
Một nguyên tắc bảo mật cơ bản mà trên thế giới áp dụng nhưng ở Việt Nam, hầu như mọi người không để tâm là ký vào mặt sau của thẻ. Việc này để tránh khi thẻ rơi vào tay người xấu, nơi chấp nhận thẻ sẽ đối chiếu chữ ký của họ với chữ ký in trên mặt sau thẻ. Tuy nhiên, đáng tiếc là quy trình chứng thực chữ ký chủ thẻ cũng không được các điểm thanh toán thực hiện đúng. Hầu hết sau khi quẹt thẻ, nhân viên thu ngân chỉ yêu cầu khách hàng ký vào hóa đơn nhưng lại không đối chiếu.
Ngoài ra, ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ thẻ tín dụng bị sao chụp hoặc thông tin thẻ bị lộ, khách hàng phải thông báo ngay cho nhà băng để yêu cầu khóa tài khoản và phát hành lại thẻ.
Theo VnExpress