Thứ hai 23/12/2024 09:23

May 10 chủ động chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững

Nhờ chuyển đổi xanh, đa dạng hóa sản phẩm, May 10 đã giữ vững và mở rộng thị phần của mình tại thị trường trong nước và quốc tế.

Để củng cố thị phần xuất khẩu của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi xanh, nỗ lực giảm phát thải từ hoạt động sản xuất, trong đó có Tổng Công ty May 10. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP (May 10) - nhằm làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đã và đang đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt khoảng 40,3 tỷ USD, trong đó, có một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... Đây là những thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội... Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) cũng từng có báo cáo chỉ ra rằng, ngành dệt may đã chi khoảng 3 tỷ USD/năm cho việc tiêu thụ năng lượng. Dệt may chiếm khoảng 8% nhu cầu năng lượng của toàn bộ ngành công nghiệp và phát thải khoảng 5 triệu tấn CO2/năm.

Ông Thân Đức Việt chia sẻ về các giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất

Năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động. Thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may… Các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu.

Trước mắt, thị trường Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR - trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025 và trong nước quy định về EPR theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2024. Không chỉ thị trường EU mà tổng thể các thị trường khác, trong khoảng 3 năm trở lại đây, yêu cầu phát triển bền vững hay xanh hóa đã không còn mang tính tự nguyện, mà đã dần được định lượng trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu bằng các dòng thuế, phí.

Chẳng hạn, theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hàng hóa từ Việt Nam sang châu Âu sẽ gặp bất lợi do trong nước chưa có thị trường carbon và giá carbon. Mức phát thải cao hơn quy định sẽ bị tính theo giá carbon tại châu Âu. Với mức giá bình quân 60 USD/tấn CO2 mà EU đang giao dịch, mỗi chiếc áo sơ mi xuất đi của Việt Nam sẽ cộng thêm khoảng 20 cent. Như vậy, riêng chi phí cho phát thải carbon đã chiếm tới 10 - 15% chi phí gia công.

Đối tác nước ngoài thăm và khảo sát thực tế năng lực sản xuất của May 10

Các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và nhiều đơn hàng hơn. Đáng chú ý, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa…

Là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao, trước những thách thức về chuyển đổi xanh, giảm phát thải, May 10 đã có những bước đi như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, xanh hóa sản xuất trong ngành dệt may khá đa dạng và được doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với bối cảnh riêng, như: Chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái; thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, lò hơi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên; trách nhiệm về tra soát chuỗi cung ứng của châu Âu, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng về lao động đối với thị trường Đức… Thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, giảm phát thải trong hoạt động sản xuất, May 10 phải thích ứng để đáp ứng cam kết của các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết.

Về mở rộng EPR, trước kia, chúng tôi chỉ bán hàng cho các thương hiệu thời trang, cho người tiêu dùng thì nay trách nhiệm mở rộng đã yêu cầu đến tận nhà sản xuất cùng với đó là một số yếu tố mặc dù không bắt buộc nhưng đang là xu thế chung như: Sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị ESG và môi trường, kinh tế tuần hoàn, sản xuất thông minh… Tất cả những vấn đề này chúng tôi đang triển khai.

Nếu trước kia, 100% nồi hơi của May 10 sử dụng năng lượng hóa thạch là than thì hiện nay, chúng tôi đang chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo. Kết thúc năm 2023, 50% nồi hơi của May 10 đã sử dụng năng lượng tái tạo. May 10 cũng đã có lộ trình trong năm 2024 và muộn nhất năm 2025 sẽ thay đổi toàn bộ thiết bị đốt lò hơi theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện chuỗi sản xuất của May 10 đều hướng đến yếu tố bền vững

Đối với thực hiện EPR, gần 10 năm qua, tại thị trường trong nước, May 10 đã chuyển đổi bao bì sản phẩm đóng gói theo hướng có nguồn gốc tự nhiên, có thời gian phân hủy ngắn nhất. Đơn cử, túi nilon được chúng tôi thay thế hoàn toàn bằng túi giấy; đối với bao nilon để bọc sản phẩm, chúng tôi đã sử dụng nhựa PET thời gian phân hủy ngắn hơn nhiều so với nhựa PE hoặc nilon. Còn phụ liệu và phụ kiện để đóng gói sản phẩm đối với thị trường xuất khẩu, không chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng, chúng tôi liên tục khuyến nghị với khách hàng để cố gắng thay đổi phương pháp, chất liệu đóng gói hướng tới yếu tố bảo vệ môi trường. Ví dụ như áo sơ mi của chúng tôi xuất khẩu đi thị trường Mỹ, trước kia thẻ giá bằng sắt, có những ghim bằng sắt, canh cổ nhựa và nơ cổ nhựa bằng chất liệu PVC rất khó phân hủy ngoài môi trường, đến nay, các phụ liệu đó được thay thế bằng kẹp nhựa và số lượng kẹp nhựa cũng ít đi, chất liệu cũng có khả năng tái chế, phân hủy nhanh nhất.

Theo ông, qua quá trình triển khai chuyển đổi xanh, đâu là thách thức đối với doanh nghiệp?

Theo tôi, rào cản lớn nhất đó là nhận thức của các doanh nghiệp. Nếu chúng ta không đi nhanh, đi trước từ sớm, từ xa, có thể chúng ta sẽ bị tụt hậu không chỉ đối với các doanh nghiệp trong nước mà còn cả với các doanh nghiệp có nền sản xuất may mặc cạnh tranh với Việt Nam như: Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc...

Tiếp theo, khả năng tài chính của doanh nghiệp. Đây là đầu tư lớn cho sự phát triển bền vững, trong ngắn hạn không mang lại hiệu quả ngay, nhưng hiệu quả là trong dài hạn.

Cùng với đó là nguồn lực về con người, chúng tôi định nghĩa, sản xuất xanh không chỉ đầu tư về tài chính, nhà xưởng, thiết bị công nghệ hiện đại, năng lượng tái tạo mà phải đầu tư thêm về nguồn lực con người để có thể tiếp cận công nghệ. Tiếp theo là ý thức trong trách nhiệm của người lao động đối với môi trường, đối với xã hội. Chúng tôi phải tuyên truyền, đào tạo bồi dưỡng trực tiếp cho người lao động, cho đến đội ngũ gián tiếp, cán bộ quản lý để thực hiện sản xuất xanh, chuyển đổi số, sản xuất thông minh.

Bên cạnh nỗ lực nội tại của doanh nghiệp, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của Chính phủ. Cụ thể là nguồn vốn tín dụng xanh với sự hỗ trợ về lãi suất để doanh nghiệp có thể hoàn vốn nhanh hơn.

Tuy nhiên, với nguồn lực như đầu tư cho năng lượng mặt trời áp mái hiện nay khá lớn, chúng tôi phải kết hợp với các tập đoàn lớn của Pháp như Green Yellow để họ tự đầu tư và May 10 mua điện của họ với giá bán được chiết khấu rẻ hơn giá bán thông thường, đây cũng là cách để May 10 thực hiện chuyển đổi xanh.

Theo cơ chế CBAM của châu Âu, hiện, ngành dệt may chưa bị áp dụng, nhưng nếu May 10 không thực hiện giảm khí thải trong chuỗi sản xuất ngay từ bây giờ thì đơn hàng xuất khẩu cho các nhãn hàng May 10 có thể sẽ phải trả chi phí khí thải carbon ra môi trường.

Do đó, May 10 đã chủ động chuyển đổi nhiên liệu trong quá trình sản xuất. Trong năm 2024 - 2025, theo đánh giá, May 10 sẽ giảm được khoảng trên 20.000 tấn CO2 ra môi trường. Điều này không chỉ nâng cao uy tín, vị thế của May 10 trên thị trường mà còn là sự đóng góp của May 10 trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Dệt may

Tin cùng chuyên mục

Mộc Châu Milk ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý và chăn nuôi bò sữa

Chính thức cung cấp dịch vụ 5G tốc độ nhanh nhất hiện nay, VNPT bước vào không gian phát triển mới

Doanh nghiệp sữa Cô gái Hà Lan được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia

EVN tiếp tục nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2025

PC Đắk Nông: Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa dịp cuối năm

Saigon Co.op tặng 900 vé xe 0 đồng cho người lao động về quê đón Tết Nguyên đán 2025

Grab và DatVietVAC hợp tác gia tăng quyền lợi cho người dùng tại Việt Nam

Tập đoàn Khoa học công nghệ Hoàng Việt - Doanh nghiệp tâm huyết vì sự nghiệp “Chăm sóc sức khỏe cộng đồng”

Bưu điện Việt Nam nhận giải Vàng Chất lượng quốc gia

Boeing mong muốn đầu tư vào Việt Nam

Nestlé Việt Nam vinh dự đón nhận “Giải Vàng Chất lượng Quốc gia” lần thứ 2

EVNGENCO2 đóng góp gần 700 đơn vị máu trong Tuần lễ hồng EVN lần X

Growatt thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà, góp phần thực hiện Quy hoạch điện 8

Hành trình định vị thương hiệu THILOGI

Luật Thi hành án dân sự tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh

J&T Express tăng cường 20% shipper, đầu tư hàng trăm phương tiện vận tải phục vụ mùa tết 2025

LG ra mắt điều hòa DUALCOOLTM AI AIR với làn gió thông minh, tiết kiệm điện năng và lọc khí toàn diện

VnExpress Marathon Hải Phòng 2024 thu hút nhiều Runner trong và ngoài nước tham gia

Vinataba và hành trình về đích với mức tăng trưởng ấn tượng 2 con số

Phân bón Cà Mau ra mắt AI tính năng chẩn đoán sâu bệnh trên ứng dụng 2Nông