Mạng lưới mua bán thuốc lá: Cần tăng cường quản lý
Công tác kiểm soát bán lẻ thuốc lá hầu như bị bỏ ngỏ |
Theo quy hoạch, với điều kiện 250.000 dân mới có 1 thương nhân kinh doanh phân phối sản phẩm thuốc lá; 50.000 dân mới có 1 thương nhân bán buôn thuốc lá, 300 dân mới có 1 thương nhân bán thuốc lá lẻ. Giai đoạn 2016 - 2020, dự tính dân số khoảng 94 triệu người sẽ có khoảng 1.880 thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá, khoảng 313.333 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá. Đây cũng là căn cứ để các Sở Công Thương (cấp tỉnh), Phòng kinh tế Hạ tầng (cấp huyện) cấp giấy phép mua bán thuốc lá.
Trong quy hoạch, Bộ Công Thương cũng đã nêu rõ các giải pháp và biện pháp thực hiện như: Các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh, các quy định của pháp luật về kinh doanh sản phẩm thuốc lá nhằm tạo một hệ thống kinh doanh ổn định để chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định hiện hành của pháp luật về kinh doanh sản phẩm thuốc lá tới các thương nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, sản phẩm thuốc lá phải xây dựng và kiểm soát hệ thống của mình...
Tuy nhiên trên thực tế, công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền việc thực hiện quy hoạch còn rất hạn chế và không hiệu quả. Lý do được nêu ra nhiều nhất vẫn là thiếu nhân lực, ý thức chấp hành của thương nhân còn hạn chế.
Đối với việc cấp phép, hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước mới kiểm soát được số lượng thương nhân kinh doanh phân phối (bao gồm cả xuất nhập khẩu) thuốc lá và thương nhân bán buôn, còn phần bán lẻ hầu như bị bỏ ngỏ. Qua báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh cho thấy, số lượng giấy phép cấp hàng năm cho các thương nhân bán buôn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, số lượng thương nhân có bán lẻ thuốc lá nhưng không đăng ký rất lớn (dù chưa có số liệu đầy đủ nhưng chắc chắn vượt gấp đôi quy hoạch) và chỉ phát hiện khi lực lượng chức năng kiểm tra nhưng cũng chỉ với cửa hàng có quy mô lớn như siêu thị, cửa hàng tạp hóa lớn.
Để bảo đảm pháp luật được thực thi triệt để, tăng cường hiệu quả, từng bước kéo giảm tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, cần rà soát sửa đổi bổ sung một số điều còn bất cập trong các văn bản pháp luật theo hướng đơn giản, thuận tiện để dễ triển khai vào thực tế.
Mặt khác, trên cơ sở báo cáo thực tế, cơ quan chức năng, đặc biệt là Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá Trung ương cần hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phù hợp với tình hình thực tế; tập trung vào khâu yếu nhất hiện nay là bán lẻ do đa phần cơ sở kinh doanh bán lẻ có quy mô nhỏ, thuốc lá là mặt hàng được bán kèm thêm với nhiều sản phẩm khác nên người dân “ngại” đi đăng ký thêm giấy phép cho từng mặt hàng.