Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nền kinh tế ổn định, lòng tin của kiều bào lớn nên lượng kiều hối đổ về ngoài cho mục đích tiêu dùng còn dành cho đầu tư.
Chính sách tỷ giá, ngoại hối có tác động tích cực trong việc thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam |
Phân tích sâu hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, làm tăng niềm tin vào thị trường, do đó đã thu hút kiều bào chuyển tiền về nước tham gia sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá, ngoại hối có tác động tích cực trong việc thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam.
“Do đó, tôi cho rằng năm nay lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, như dự báo của một số tổ chức là khoảng 17 tỷ USD,” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm trước. Báo cáo kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm 2019 của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa công bố cũng cho biết dự kiến trong năm 2019, Việt Nam sẽ nhận được 16,7 tỷ USD kiều hối.
Do đó, năm nay có thể là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Gần đây nhất, các năm 2017, 2018, Việt Nam ở danh sách này với lượng kiều hối đổ về lần lượt là 13,8 tỷ USD và 15,9 tỷ USD.
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lượng kiều hối chuyển về nước tăng hằng năm do số người Việt Nam ở nước ngoài đang tăng lên, đặc biệt là lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Báo cáo của WB cho thấy lượng người nhập cư chính thống của Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh nhất so với các thị trường khác. Việt Nam cũng là một trong 9 nước được Nhật Bản xác định là nguồn cung lao động nước ngoài lớn cho quốc gia này.
Năm 2018, trong số 142.800 người Việt sang các thị trường khác, có 68.700 người đã tới Nhật Bản, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) 60.400 người, Hàn Quốc 6.500 người...
Số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2018 cho thấy thu nhập trung bình tháng của người Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc là 1.000-1.200 USD, ở Đài Loan là 700-800 USD, các nước Trung Đông là 400-600 USD.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dù diễn biến thị trường tài chính tiền tệ có nhiều điều bất lợi như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, việc phá giá đồng tiền của nhiều nước, nhưng kiều hối về Việt Nam, đặc biệt về Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn rất đều đặn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, lượng kiều hối trong 11 tháng qua đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến trong tháng 12 là 1 tỷ USD, cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng trên 9% so với năm 2018.
Kiều hối đã giúp phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thời gian tới để tiếp tục thu hút lượng kiều hối đổ về Việt Nam, Chính phủ nên có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn trong việc thu hút đầu tư như chính sách đầu tư, thương mại dành riêng cho người Việt ở nước ngoài, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để kiều bào ở nước ngoài tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam thông qua các Văn phòng lãnh sự, Ủy ban người Việt ở nước ngoài...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục linh hoạt trong công tác điều hành giữ ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.