Thứ năm 19/12/2024 06:49

Luật sư Bùi Văn Thành: Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, cần sự kiểm soát của nhà nước

Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng đảm bảo có sự quản lý của nhà nước thay vì thả nổi hoàn toàn cho doanh nghiệp là một sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhà nước can thiệp và quản lý giá xăng dầu là cần thiết

Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế các Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 95 và 80), Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm, xăng dầu phải điều hành theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo có sự quản lý của nhà nước thay vì “thả nổi” hoàn toàn cho doanh nghiệp.

Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - Phó Chủ tịch VIPFA – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Ảnh BT)

Liên quan đến nội dung này, luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội - Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam VIPFA – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng: Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có tác động rất mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Do đó, tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, đều có quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu, nhằm đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an ninh năng lượng. Việc tuân thủ đầy đủ các điều kiện này là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu.

Luật sư Bùi Văn Thành cho rằng, tại dự thảo nghị định thay thế các Nghị định kinh doanh xăng dầu Bộ Công Thương bảo lưu quan điểm về việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng vẫn đảm bảo có sự quản lý của nhà nước thay vì thả nổi hoàn toàn cho doanh nghiệp là một sự cân nhắc kỹ lưỡng, nhằm cân bằng giữa cơ chế thị trường và trách nhiệm quản lý của nhà nước.

Cũng theo luật sư Bùi Văn Thành, cơ chế thị trường trong điều hành giá xăng dầu cho phép giá phản ánh chính xác cung – cầu, chi phí sản xuất, biến động giá cả trên thị trường thế giới và các yếu tố khác. Đảm bảo tính cạnh tranh và khuyến khích doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, đồng thời thúc đẩy nguồn cung linh hoạt và minh bạch hơn.

“Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng chiến lược có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất, vận tải cho đến đời sống của người dân. Vì vậy, việc nhà nước can thiệp và quản lý giá xăng dầu là cần thiết để đảm bảo sự ổn định và tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng biến động giá để tăng giá không kiểm soát, thao túng thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực cho người tiêu dùng và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Sự biến động lớn về giá xăng dầu sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và dịch vụ, đẩy lạm phát lên cao” – ông Bùi Văn thành nêu rõ, đồng thời cho rằng: Cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu hiện nay vẫn đang được đánh giá là khả thi, như việc áp dụng cơ chế giá cơ sở và quỹ bình ổn giá đã phần nào giúp giảm bớt các cú sốc giá cả, đồng thời điều chỉnh kịp thời theo diễn biến thị trường thế giới. Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển.

Thực tế những diễn biến thời gian qua cho thấy, cần có cơ chế giám sát và quản lý chặt chẽ hơn, phòng chống hành vi buông lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đấu tranh với hoạt động buôn lậu xăng dầu.

Trên cơ sở đó, luật sư Bùi Văn Thành đề xuất, cần minh bạch hóa quy trình điều chỉnh giá. Cụ thể, người tiêu dùng và doanh nghiệp cần được thông tin đầy đủ và kịp thời về các yếu tố tác động đến giá xăng dầu, cách tính toán giá cơ sở để đảm bảo tính minh bạch và hợp lý.

“Mặc dù cần thiết phải duy trì sự quản lý của nhà nước, nhưng cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường nhiều hơn, tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển hạ tầng phân phối xăng dầu, từ đó giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn” - luật sư Bùi Văn Thành nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Văn Thành, nếu thương nhân phân phối được phép mua bán xăng dầu với nhau, quá trình này có thể dẫn đến việc mua bán xăng dầu lòng vòng (Ảnh HQ)

Tránh tình trạng mua xăng dầu “lòng vòng” giữa các doanh nghiệp phân phối

Vấn đề cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau, thay vì chỉ mua từ doanh nghiệp đầu mối, đang gây ra những tranh luận về quản lý nguồn cung và tính minh bạch trong kinh doanh xăng dầu. Liên quan đến nội dung này, luật sư Bùi Văn Thành cho rằng, một trong những lo ngại chính của việc cho phép các thương nhân phân phối mua hàng của nhau là cơ quan quản lý nhà nước có thể mất khả năng kiểm soát tổng nguồn cung xăng dầu ra thị trường. Đây là một nội dung quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu. Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được Bộ Công Thương giao. Hiện tại, Bộ Công Thương thực hiện việc phân giao tổng nguồn cung thông qua khoảng 33 doanh nghiệp đầu mối, với mục tiêu đảm bảo sự ổn định và kiểm soát được tổng lượng xăng dầu nhập vào và tiêu thụ trên thị trường.

Cũng theo ông Bùi Văn Thành, nếu thương nhân phân phối được phép mua bán xăng dầu với nhau, quá trình này có thể dẫn đến việc mua bán xăng dầu lòng vòng, việc theo dõi và quản lý số lượng, chất lượng và dòng chảy của xăng dầu trở nên phức tạp hơn. Có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các hiện tượng tiêu cực như đầu cơ, găm hàng, hoặc biến động bất thường trong giá cả.

Việc các doanh nghiệp phân phối mua bán với nhau cũng có thể làm giảm tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vì các giao dịch này không chỉ làm khó khăn trong việc quản lý nguồn cung mà còn có thể tạo ra lỗ hổng trong kiểm soát chất lượng xăng dầu. Thương nhân phân phối có thể tận dụng cơ hội để mua xăng dầu không đạt chuẩn hoặc trộn lẫn sản phẩm, gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa trên thị trường.

Chưa kể, một số thương nhân có thể lợi dụng cơ chế này để tích trữ hoặc tăng giá khi nguồn cung khan hiếm, làm méo mó thị trường và ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. “Từ góc độ này, việc duy trì quy định chỉ cho phép mua từ doanh nghiệp đầu mối sẽ giúp kiểm soát chất lượng và duy trì ổn định thị trường hiệu quả hơn” - Luật sư Bùi Văn Thành nêu quan điểm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Bùi Văn Thành, việc thương nhân phân phối chỉ được phép mua xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối mà không có khả năng mua hàng từ các thương nhân khác, có thể sẽ giới hạn tính cạnh tranh và làm giảm khả năng linh hoạt trong việc tiếp cận nguồn hàng, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thương nhân phân phối khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp đầu mối.

Việc cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau có thể tăng cường sự linh hoạt trong hệ thống phân phối xăng dầu, giúp các doanh nghiệp có thể điều chỉnh nguồn cung một cách nhanh chóng khi xảy ra biến động trên thị trường. Điều này cũng có thể khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp phân phối, từ đó có thể làm giảm chi phí và cải thiện dịch vụ cho người tiêu dùng.

Nếu cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau, ông Bùi Văn Thành cho rằng, cần phải có một hệ thống quản lý chặt chẽ và minh bạch từ phía nhà nước để đảm bảo việc kiểm soát nguồn cung và chất lượng xăng dầu. Bộ Công Thương cần hoàn thiện hệ thống báo cáo và giám sát định kỳ để theo dõi nguồn cung và lượng tiêu thụ. Hệ thống hóa đơn điện tử giữa các doanh nghiệp để ghi nhận và báo cáo các giao dịch mua bán. Cơ chế kiểm tra đột xuất để đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xăng dầu, tránh tình trạng xăng dầu giả hoặc kém chất lượng xâm nhập thị trường.

Vấn đề cốt lõi ở đây là làm sao để cân bằng giữa quyền lợi của doanh nghiệp và trách nhiệm quản lý của nhà nước. Nhà nước không thể buông lỏng hoàn toàn để thị trường tự điều tiết, vì xăng dầu là một mặt hàng quan trọng và nhạy cảm đối với nền kinh tế, nhưng cũng không nên tạo ra quá nhiều rào cản khiến thị trường mất đi tính linh hoạt và cạnh tranh. Do đó, luật sư Bùi Văn Thành cho rằng hợp lý nhất có lẽ là, cho phép các doanh nghiệp phân phối mua bán lẫn nhau, nhưng với điều kiện phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về báo cáo, minh bạch hóa các giao dịch và kiểm soát chất lượng.

Nguyễn Hoà
Bài viết cùng chủ đề: Kinh doanh xăng dầu

Tin cùng chuyên mục

Báo Công Thương đạt tốt về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí

TP. Hồ Chí Minh: Ấm lòng những tô mì 0 đồng giữa trung tâm Quận 1

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Khối doanh nghiệp Hà Nội vượt thách thức, giữ vững hiệu quả sản xuất kinh doanh

Hà Nội tặng danh hiệu ‘Người tốt-việc tốt’ cho 25 cá nhân: Lan tỏa để trở thành nét văn hóa tiêu biểu

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Gia Lai: Cô giáo trẻ ‘truyền lửa’ học tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số

Bộ Công Thương tích cực thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hoá chất

Bộ Công Thương công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Bộ Công Thương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

TokyoLife: Viết nên câu chuyện hy vọng, trao quyền bình đẳng cho người khuyết tật

Trong trại giam, Mr Pips Phó Đức Nam có thấu?

PC Gia Lai hiến máu nhân đạo, hành trình truyền lửa cho thế hệ sau

Bộ Công Thương: Hoàn thành vượt các chỉ tiêu được giao nhờ thực hiện tốt Nghị quyết 01

Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’

Bộ Công Thương đạt nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP