Luật Hóa chất (sửa đổi): Thêm cơ chế ứng phó sự cố trên biển
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã tiếp thu đầy đủ ý kiến
Thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) diễn ra vào sáng 8/5, các Đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tính và đánh giá cao báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban Thường Quốc hội cũng như cơ quan chủ trì soạn thảo về Luật Hóa chất (sửa đổi) trình tại kỳ họp lần này.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng. Ảnh: VPQH |
Cụ thể, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Báo cáo tiếp thu khá đầy đủ và chi tiết các ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan trong các hội thảo lấy ý kiến về luật sửa đổi.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cũng ghi nhận những nỗ lực của cơ quan soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu từ kỳ họp thứ 8 cho đến nay.
Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhận định, dự thảo Luật Hóa chất đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ, nghiêm túc ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp thứ 8.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) lần này trình tại kỳ họp gồm 8 chương, 50 điều quy định về nguyên tắc, chính sách trong phát triển công nghiệp hóa chất, hoạt động hóa chất, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, an toàn, an ninh hoạt động hóa chất và trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất cũng như quản lý nhà nước về hóa chất và cung cấp thông tin trong lĩnh vực hóa chất.
“Nội dung của dự thảo luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, tạo sự thống nhất với Luật Dược, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các nội dung dự kiến của các luật sẽ trình tại Quốc hội kỳ này” – Đại biểu Trần Khánh Thu thông tin.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: VPQH |
Bổ sung điều khoản ứng phó sự cố hóa chất trên biển
Cũng đánh giá cao về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng: Dự thảo đã được giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý và chỉnh lý nhiều nội dung nhằm tăng cường quản lý nhà nước về hóa chất, đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động hóa chất, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo cũng như tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, vẫn băn khoăn về nội dung liên quan đến sự cố tràn dầu, rò rỉ hóa chất độc hại trên biển, cơ chế phối hợp xử lý, ứng phó khi sự cố xảy ra.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.200 km, với nhiều khu công nghiệp lọc hóa dầu, cảng biển quốc tế và tuyến hàng hải quan trọng. Trong thực tiễn đã và đang xảy ra nguy cơ cao khi sự cố tràn dầu, rò rỉ hóa chất độc hại trên biển rất cao và hiện hữu.
Khi sự cố xảy ra thì hậu quả đối với hệ sinh thái biển, kinh tế ven biển và đời sống của người dân khá nghiêm trọng, bởi vì đặc thù trên biển sẽ khác với các sự cố trên bờ cũng như là các hoạt động về quản lý hóa chất khác, không chỉ nghiêm trọng mà còn kéo dài và xử lý rất là khó khăn.
“Trong khi đó, qua rà soát dự thảo Luật Hóa chất, tôi nhận thấy chưa có quy định mang tính chặt chẽ, cụ thể về cơ chế ứng phó sự cố hóa chất khi xảy ra trên biển, chưa có sự phân loại riêng biệt cho các tình huống đặc thù liên quan đến không gian biển và hải đảo” – Bà Huỳnh Thị Phúc thông tin và đề nghị: Ban soạn thảo xem xét bổ sung một điều khoản riêng về ứng phó sự cố hóa chất trên biển trong mục 2 của Chương VI về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và quy định rõ việc phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành liên quan.
Cũng theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, việc bổ sung quy định về ứng phó sự cố hóa chất trên biển là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương và tạo điều kiện thuận lợi để góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Đây không chỉ là yêu cầu về quản lý rủi ro mà còn là hành động thể hiện trách nhiệm với môi trường, với đời sống nhân dân và với tương lai phát triển bền vững, trong đó có phát triển biển và hải đảo.
Tại phiên thảo luận về Luật Hóa chất (sửa đổi) diễn ra vào sáng 8/5 đã có 15 đại biểu Quốc hội phát biểu góp ý xây dựng luật, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí về nhiều nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). |