Lợi nhuận quý I tốt, cổ phiếu vua trở lại đường đua
Kỷ lục mới liên tiếp được xác nhận
Báo cáo tài chính quý I/2022 chưa được tiết lộ, song nhiều ngân hàng đã hé lộ mức lợi nhuận kỷ lục.
Một nguồn tin từ lãnh đạo VPBank cho hay, lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của Ngân hàng tăng rất mạnh, có thể đạt hơn 11.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ ngân hàng mẹ. Dù chưa rõ sự tăng trưởng đến từ phân khúc nào, song nhiều khả năng, lợi nhuận quý I/2022 của VPBank có sự đóng góp từ mảng bảo hiểm. Giữa tháng 3, VPBank thông báo đã gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với AIA thêm 4 năm nữa, đồng nghĩa với việc Ngân hàng ghi nhận một khoản phí trả trước không nhỏ vào lợi nhuận quý này.
Tương tự là VietinBank, dù cuối năm ngoái, Manulife và VietinBank đã ký hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ, song khoản phí trả trước vẫn chưa được ghi nhận vào báo cáo tài chính năm 2021. Các chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, hàng triệu USD phí trả trước từ hợp đồng này sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận quý I/2022 của VietinBank. Một số công ty chứng khoán ước tính, mức phí trả trước mà VietinBank nhận về khoảng 350 triệu USD.
Ngoài khoản phí bảo hiểm, tín dụng phục hồi trở lại mạnh mẽ cũng sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh năm nay. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng tính đến ngày 23/3 đã tăng 4,21% (cùng kỳ chỉ tăng 1,6%).
Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong quý I/2022, các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là SHB, Sacombank, MSB, VPBank và LienVietPostBank.
Trước đó, nhiều ngân hàng đã thông báo lợi nhuận khả quan quý I/2021. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MB cho hay, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của Ngân hàng ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tại VIB, lợi nhuận quý I/2022 đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm…
Không phải mọi “cổ phiếu vua” đều hưởng lợi
Mặc dù một số ngân hàng công bố lợi nhuận quý I/2021 khá khả quan, song trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ phân hóa và tổng thể sẽ không tăng trưởng cao bằng năm 2021.
“Một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý I, song tổng thể mức tăng trưởng lợi nhuận chung của toàn ngành năm nay sẽ không bằng năm ngoái, do nền lợi nhuận của năm ngoái khá cao, tín dụng tăng trưởng ở mức độ vừa phải và có thể nợ xấu sẽ tăng do Thông tư 13 về cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2022”, ông Nam nhận định.
Một lý do nữa khiến lợi nhuận ngân hàng có thể giảm là do lãi suất huy động có thể tăng. TS. Cấn Văn Lực nhận định, năm nay, NIM (chênh lệch lãi suất cho vay/huy động) của ngân hàng có thể giảm do lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay không thể tăng. Một số ngân hàng đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn năm ngoái. Đơn cử, BIDV năm 2021 tăng trưởng lợi nhuận 50%, nhưng năm nay chỉ đề ra mục tiêu tăng 30%.
Bức tranh lợi nhuận phân hóa đã tác động đáng kể đến diễn biến cổ phiếu ngân hàng. Trên thị trường, một số cổ phiếu của ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao như VPB, MBB, TPB, BID, VIB… có sự khởi sắc đáng kể tuần qua, trong khi cổ phiếu của một số ngân hàng khác tăng trưởng chậm hơn.
Theo các chuyên gia phân tích FiinGroup, năm 2022, ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 20-25% nhờ một số yếu tố hỗ trợ như: tín dụng tăng 14% với sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của Chính phủ; NIM tiếp tục duy trì kể cả khi lãi suất huy động tăng do các ngân hàng sẽ cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp; thu nhập phí tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi kinh tế phục hồi; một số ngân hàng đã trích lập sớm cho nợ cơ cấu…
Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng đang được định giá cao cùng với triển vọng của các ngân hàng không giống nhau khiến giới chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư thận trọng với các mã cổ phiếu ngân hàng. Theo ông Lê Ngọc Nam, nhà đầu tư nên chọn các mã cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận sáng sủa, như ACB, TCB, MBB… Ngoài ra, những ngân hàng có “game” mua bán, sáp nhập hay những ngân hàng vừa ký kết các hợp đồng bán chéo bảo hiểm béo bở cũng cần chú ý.