Lợi nhuận doanh nghiệp thuỷ sản lao dốc sau năm bứt phá
Theo Chuyên gia kinh tế chứng khoán Nguyễn Thị Thanh Hằng, Khối phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect), nhu cầu yếu đang cản trở sự phục hồi của doanh nghiệp thuỷ sản niêm yết. Theo đó, sau năm 2022 thành công với tổng doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp ròng tăng mạnh 29% và 86%, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thuỷ sản niêm yết trong quý I năm nay đang giảm mạnh.
Cụ thể, theo ước tính của VNDirect, tổng doanh thu trong quý I của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết giảm mạnh 32% so với cùng kỳ do cả giá bán trung bình và sản lượng xuất khẩu đều giảm mạnh. Biên lợi nhuận gộp ngành thu hẹp 5,1 điểm % do giá bán trung bình giảm trong khi chi phí sản xuất tiếp tục neo ở mức cao. Do đó, tổng lợi nhuận ròng trong quý I của các doanh nghiệp giảm 74% so với cùng kỳ 2022.
"Tổng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản giảm mạnh 74% so với cùng kỳ trong quý I/2023 do nhu cầu yếu ở các thị trường xuất khẩu và mức nền cao của quý I/2022", chuyên gia VNDirect nhận định.
Nguyên nhân giảm chủ yếu đến từ việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm 51% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm; thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi sau khi mở cửa hoàn toàn...
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản theo VNDirect |
Vẫn theo chuyên gia, do nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính và chi phí sản xuất ở mức cao, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản niêm yết trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp cá tra, đã đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng hơn so với năm 2022.
Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch doanh thu 2023 lớn hơn hoặc bằng doanh thu năm 2022. Ngoài ra, doanh nghiệp đang kỳ vọng lợi nhuận sẽ sụt giảm đáng kể trong năm 2023. Điều này cho thấy các doanh nghiệp kì vọng lợi nhuận gộp sẽ giảm mặc dù giá bán bình quân của sản phẩm có thể duy trì ở mức cao do lạm phát.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có phần lạc quan hơn về kết quả kinh doanh năm 2023 khi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với những thách thức có thể thấy được trong năm 2023 của ngành tôm, chúng tôi cho rằng kế hoạch này của các doanh nghiệp là khá tham vọng.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm nay đạt 2,57 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh từ 10 - 41% do nhu cầu thị trường chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao, suy thoái kinh tế khiến cả lượng xuất khẩu và giá bán bình quân đều giảm.
Về thị trường, trong 4 tháng đầu năm, các thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của thủy sản Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. 4 thị trường này chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Hiện Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, mặc dù xuất khẩu sang thị trường này cũng giảm 9% so với cùng kỳ xuống còn 444 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ giảm 51% so với cùng kỳ xuống còn 412 triệu USD do tồn kho cao cùng với nhu cầu tiêu thụ yếu. Đây là thị trường xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm nay. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong thời gian này cũng giảm 30% so với cùng kỳ xuống còn 364 triệu USD bất chấp thị trường này đã mở cửa trở lại hoàn toàn.