Lợi ích từ chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh thương mại xanh ngày một phổ biến và dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Giữa tháng 5/2023, Ủy ban châu Âu ban hành quy định về thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), bắt đầu áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 1/10/2023, giai đoạn báo cáo đầu tiên cho các nhà nhập khẩu kết thúc ngày 31/1/2024.
Ông Nguyễn Hữu Nghị - Chuyên gia xúc tiến xuất khẩu CBI (Hà Lan) - nhìn nhận, chuyển đổi sản xuất xanh tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp và mang lại nhiều cơ hội như tránh được lộ trình thuế carbon, thu hút thêm khách hàng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh…, đặc biệt là tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, EU hay Nhật Bản...
Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được lan tỏa đến cộng đồng xã hội. Ảnh: Thu Hường |
Theo ông Huỳnh Minh Vũ - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS): Khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam phải thực thi các cam kết bằng cách nội luật hóa quy định pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời, cần có các giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện lộ trình cắt giảm phát thải, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững như đã cam kết.
Trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Với yêu cầu trên, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất xanh thông qua đầu tư khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Gắn liền với quá trình chuyển đổi là tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu xanh, góp phần phát triển Thương hiệu Quốc gia Việt Nam xanh.
Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết: Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26 và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, ngành Công Thương chịu trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy triển khai áp dụng 3 nhóm giải pháp.Thứ nhất, áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, giảm phát thải khí nhà kính... Thứ hai, khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch - được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng “0” như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, hydrogen...Thứ ba, áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...
Ngoài ra, thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 cùng Nghị định hướng dẫn, doanh nghiệp tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình được quy định. Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến sản xuất bền vững.