Lo ngại thuốc lá điện tử “tấn công” giới trẻ
Xu hướng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở người trẻ, đặc biệt là nữ giới
Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Hương – Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, trong những năm qua, với sự nỗ lực chung của các Bộ ngành, tỉnh thành, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với giới trẻ, tỷ lệ hút thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi từ 13 – 15 tuổi từ 3,5% năm 2014 đã giảm xuống còn 2,7% năm 2022; trong đó, nam giới giảm từ 6,3% xuống 4%. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tuy nhiên, những thành quả này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng cao, đặc biệt là ở nhóm giới trẻ.
Các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thiết kế theo thị hiếu của giới trẻ |
Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh 13 – 17 tuổi là 2,6% thì đến năm 2022, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm đối tượng này là 3,5%. Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh thành năm 2020 cho thấy, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).
Phân theo khu vực, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh đặc biệt cao tại các thành phố lớn. Phân theo giới, tỷ lệ nữ giới sử dụng thuốc lá điện tử ngày một tăng cao; nếu năm 2015 tỷ lệ này là 0,1% thì đến năm 2020 đã tăng lên 1% (gấp 10 lần).
“Đáng lo ngại là dù thuốc lá điện tử mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong nhóm đối tượng thanh thiếu niên Việt Nam đã cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống (ở các học sinh nam và nữ)”, Ths. Trịnh Thu Hương - Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam bày tỏ.
Ths. Trịnh Thu Hương - Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam bày tỏ lo ngại thuốc lá điện tử dù mới xuất hiện, chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng loại thuốc lá này đã gia tăng nhanh chóng ở nhóm đối tượng thanh thiếu niên |
Đâu là nguyên nhân?
Theo Ths. Trịnh Thu Hương, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ tăng nhanh chóng là bởi các đơn vị cung cấp thuốc lá điện tử hướng các chiến lược quảng cáo, tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào giới trẻ.
Bà Trịnh Thu Hương cho biết, các sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng, kiểu dáng, màu sắc theo thị hiếu của giới trẻ. Một số sản phẩm được thiết kế giống các đồ dùng thông thường như bút, usd, hộp sữa, son môi… Có những sản phẩm còn thêm nhiều tính năng như phát sáng, nghe nhạc… Bên cạnh đó, giá các sản phẩm này rất đa dạng, nhiều sản phẩm giá rẻ, hợp túi tiền của học sinh. Khảo sát nhanh một số cửa hàng bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng online cho thấy có những sản phẩm thuốc lá điện tử chỉ từ 17.000 đồng/sản phẩm; thuốc lá nung nóng từ 130.000 đồng/sản phẩm.
Còn theo khảo sát nhanh của HealthBridge, các thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử cho rằng thuốc lá điện tử có nhiều hương vị, không để lại mùi hôi, và có thể “làm mấy cái nhả khói như trên mạng rất là vui”.
Các cách thức quảng cáo thuốc lá điện tử cũng lấy trọng tâm là giới trẻ khi quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội phổ biến của giới trẻ (như facebook, tiktok, Instagram). Báo cáo social listening, Fermion &CTFK, 6 tháng cuối 2021 cho kết quả, có 54.967 tin, bài quảng cáo về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các mạng xã hội, trang thông tin. Trong đó, facebook là kênh tập trung lượng quảng cáo nhiều nhất với 63,7% và tiktok chiếm 31,8%. Ngoài ra, các bài quảng cáo, tiếp thị còn sử dụng hình ảnh KOLs (người có ảnh hưởng tới giới trẻ) để quảng cáo.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được bán tràn lan trên các mạng xã hội |
Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng cao đó là sản phẩm rất dễ mua, dễ tiếp cận. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được bày bán công khai, dễ dàng mua bán trên các trang website, mạng xã hội. Các cửa hàng bán thuốc lá điện tử online hay offline (bán trực tiếp) đều được thiết kế để thu hút giới trẻ và thường có những chương trình khuyến mại như cho dùng thử, tặng sản phẩm để lôi kéo khách hàng. “Không khó để tìm mua thuốc lá điện tử. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn được bày bán công khai ở vỉa hè”, ThS. Trịnh Thu Hương cho hay.
Theo đại diện HealthBridge Canada tại Việt Nam, hiện nay còn có sự không rõ ràng trong việc quảng cáo, giới thiệu về các sản phẩm thuốc lá mới. Các nhãn hàng thuốc lá điện tử thường quảng cáo “mập mờ” như “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng giảm hại và an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống”; hay “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống”; hay “thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không gây ảnh hưởng đến người xung quanh”.
Một cửa hàng bán thuốc lá điện tử mới bị Công an TP. Đà Nẵng kiểm tra và thu giữ hơn 7.800 sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện không nguồn gốc xuất xứ |
Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận: Tất cả mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại, không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá thông thường. “Không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít tác hại hơn thuốc lá thông thường. Bên cạnh đó, có những tác hại đã rõ khi sử dụng những loại thuốc lá này đó là: Gây nghiện, ảnh hưởng đến phát triển não bộ; gây bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm; gây chấn thương do cháy nổ (pin); nguy cơ ngộ độc”, Ths. Trịnh Thu Hương nói và thông tin thêm, ngay cả khi các hóa chất hơi của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không được nhìn thấy rõ thì nó vẫn có nguy cơ gây hại cho người tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
“Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo, và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Cần ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, đại diện HealthBridge Canada tại Việt Nam khuyến nghị.