Lo ngại nguy cơ bệnh sởi lây lan trong cộng đồng: Chuyên gia khuyến cáo tiêm bù vaccine sởi cho trẻ
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tính đến nay ghi nhận 45 ca mắc sởi rải rác tại 11 huyện, thành thị. Ca mắc đầu tiên có triệu chứng khởi phát vào cuối tháng 3/2024, sau đó tiếp tục ghi nhận thêm 16 ca mắc mới vào tháng 4, đến tháng 5 là 14 ca và tháng 6 là 15 ca.
Tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa bệnh sởi. Ảnh minh họa |
Qua khai thác tiền sử tiêm chủng các mũi phòng bệnh sởi cho thấy, có 16 trường hợp chưa đủ tuổi tiêm,15 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 1, có 4 trường hợp đã tiêm (26,7%), 12 trường hợp đủ tuổi tiêm mũi 2, có 1 trường hợp đã tiêm mũi 2 (0,83%).
Với đa số ca mắc bệnh sởi là trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch sởi hiện nay. Do vậy, thời gian tới, tỉnh Nghệ An cũng như các địa phương cần tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và hoạt động tiêm chủng mở rộng.
Đồng thời rà soát đối tượng trẻ trên địa bàn, lịch sử tiêm chủng và triển khai tiêm bù, tiêm vét mũi vaccine sởi (cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi) và vaccine sởi – rubella (cho trẻ từ đủ 18 tháng tuổi) nhằm tạo miễn dịch cộng đồng bao phủ vaccine.
Lo ngại nguy cơ bệnh sởi sẽ lây lan trong cộng đồng trong thời gian tới, nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại cơ sở khám chữa bệnh, giới chuyên gia khuyến cáo, các địa phương cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, đánh giá nguy cơ và tiến hành tiêm bù, tiêm vét vaccine ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ sởi bùng phát.
Hệ thống y tế dự phòng tuyến tỉnh, xã phường và các cơ sở khám điều trị kịp thời giám sát phát hiện ca bệnh và điều trị sớm. Cần khoanh vùng, khu vực có bệnh nhi bị nhiễm; thành lập ban chỉ đạo tại các bệnh viện, thành viên trong ban chỉ đạo bao gồm cả Ban Giám đốc, thành viên tham gia là chuyên gia truyền nhiễm, bác sĩ chuyên khoa, linh hoạt trong quy trình làm việc, phải lên kế hoạch cụ thể.
Sở Y tế và các Trung tâm y tế tiến hành điều tra, xác minh thông tin, tổ chức khoanh vùng, bao vây, xử lý dịch tại các địa phương ghi nhận ca bệnh. Chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc phân luồng, cách ly điều trị bệnh truyền nhiễm theo quy định, quản lý chất thải y tế, triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo hiệu quả. Đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên liên tục cho người dân biết cách phòng chống bệnh sởi trên địa bàn.
Bệnh sởi là bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae gây nên. Đặc điểm để nhận biết bệnh sởi ở trẻ em là sốt, viêm long đường hô hấp và tiêu hóa, viêm kết mạc mắt, nổi các vết phát ban dát đỏ lan theo thứ tự từ mặt đến tay chân và cả cơ thể. Bệnh sởi chỉ có thể kiểm soát khi đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch sởi trong cộng đồng. Vì vậy, người lớn và trẻ nhỏ cần được tiêm vaccine sởi để tăng khả năng miễn dịch với virus gây bệnh. |