Lộ diện top 5 lợi nhuận ngành ngân hàng 2023
Nhiều bất ngờ
Tại thời điểm ngày cuối cùng của tháng 1 (31/1) 28 ngân hàng đăng ký giao dịch/niêm yết trên sàn chứng khoán đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý 4/2023. Theo đó, bức tranh kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2023 có nhiều bất ngờ.
Về lợi nhuận, Top 5 ngân hàng năm qua gọi tên lần lượt Vietcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank. Trong đó, Vietcombank vẫn là quán quân toàn ngành và bỏ xa các nhà băng khác trong hệ thống. Báo cáo tài chính cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Vietcombank đạt 41.244 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022, hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Đáng chú ý, 4 ngân hàng còn lại có lợi nhuận ngang ngửa nhau. Trong đó, BIDV báo lãi trước thuế 27.650 tỷ đồng, MB đạt 26.306 tỷ đồng, VietinBank đạt 25.100 tỷ đồng và Agribank ước tính đạt 25.400 tỷ đồng.
Đây là năm đầu tiên MB lọt Top 3 lợi nhuận toàn ngành với 26.306 tỷ đồng |
Đây cũng là năm đầu tiên MB lọt Top 3 lợi nhuận toàn ngành, không chỉ vượt VietinBank, Agribank mà cách khá xa các ngân hàng cổ phần lớn như Techcombank (22.888 tỷ đồng), ACB (20.068 tỷ đồng), VPBank (10.987 tỷ đồng),…
Top 5 ngân hàng này đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương và hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Trong đó, BIDV có tăng trưởng cao nhất (21%).
Top 10 lợi nhuận năm 2023 gọi tên lần lượt: Vietcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank, Techcombank, ACB, HDBank, VPBank, VIB. Trong đó, Top 7 ngân hàng đều có lợi nhận trên 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hai ngân hàng tư nhân lớn là Techcombank và VPBank lại tăng trưởng âm. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Techcombank là 22.888 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. VPBank còn bị giảm gần một nửa so với năm 2022, lợi nhuận năm 2023 chỉ ở mức 10.987 tỷ đồng.
So với năm 2022, những gương mặt lọt Top vẫn là các ngân hàng quen thuộc. Tuy nhiên, thứ hạng đã có một số thay đổi. Do lợi nhuận tăng trưởng âm nên Techcombank từ vị trí "á quân" rớt xuống vị trí thứ 6. VPBank cũng rớt từ vị trí 6 xuống vị trí thứ 9.
HDBank ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay, đạt hơn 13.000 tỷ đồng, nhảy từ vị trí Top 10 lên Top 8.
ACB lần đầu tiên cán mốc 20.000 tỷ đồng lợi nhuận, đứng vị trí thứ 7, tăng một bậc so với năm 2022.
Nợ xấu đạt đỉnh
Bên cạnh những con số lợi nhuận ấn tượng thì điểm đáng chú trong bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng trong quý IV cũng như cả năm 2023 là nợ xấu ở hầu hết các nhà băng tăng trong quý IV/2023 và dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm nay.
Tại BacABank, tổng nợ xấu tại thời điểm 31/12/2023 là gần 916 tỷ đồng, tăng đến 78% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đều gấp 4 lần đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,55% đầu năm lên 0,92% vào cuối năm. Tuy vậy, tỷ lệ nợ xấu của BacA Bank vẫn ở mức thấp trong ngành.
Nợ xấu ở hầu hết các nhà băng tăng trong quý IV/2023 và dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm nay |
Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2023 của PGBank là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 3 lần, nợ nghi ngờ tăng gấp 2 lần so với đầu năm, còn nợ có khả năng mất vốn giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm, ở mức 2,56%.
Chất lượng tín dụng của TPBank cũng giảm sút khi tổng nợ xấu tại ngày 31/12/2023 ghi nhận hơn 4.200 tỷ đồng, cao gấp 3 lần đầu năm, tăng ở tất cả các nhóm nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng này đã tăng từ mức 0,84% đầu năm đã tăng lên 2,05% ở thời điểm cuối năm.
Đáng chú ý, tổng nợ xấu của MSB tại thời điểm cuối năm 2023 đã lên tới 4.280 tỷ đồng, cao gấp đôi hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ của Ngân hàng theo đó tăng từ mức 1,71% hồi đầu năm 2023 lên mức 2,83% vào cuối năm. Nợ xấu tăng khiến chi phí dự phòng của MSB trong quý IV/2023 tăng hơn 373% so với cùng kỳ, kéo lợi nhuận quý này giảm 37,4% so với cùng kỳ năm 2022, còn gần 607 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro cả năm của Ngân hàng tăng 244,1% so với cùng kỳ, ở mức gần 1.650 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng chỉ đạt mức 5.829,9 tỷ đồng. Với kết quả trên, MSB chỉ thực hiện được 93% mục tiêu lợi nhuận đặt ra, mặc dù đến hết quý III, Ngân hàng đã thực hiện được 83% kế hoạch.
Tại Eximbank, dù thu được khoản nợ gốc và lãi từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lên tới 750 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2023 ở mức 2,7%.
Chất lượng tín dụng của BaoVietBank cũng đi lùi trong năm qua, khi nợ xấu tại thời điểm cuối năm lên đến 1.654 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng lên mức 4%. Nhà băng này trích lập dự phòng rủi ro 1.072 tỷ đồng, tương đương 91% nợ xấu, khiến lãi trước thuế cả năm chỉ đạt gần 90 tỷ đồng.
Còn tại Saigonbank, nợ xấu tính đến ngày 31/12/2023 là 404 tỷ đồng, xấp xỉ đầu năm, tương ứng tỷ lệ 2,03% trên tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 2,12% hồi đầu năm. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của Ngân hàng lại chiếm đến 57% tổng số nợ xấu, với 232 tỷ đồng.
Nhiều nhận định đưa ra, nếu Ngân hàng Nhà nước không gia hạn Thông tư 02/2023, nhiều khả năng tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có thể tăng cao sau ngày 30/6/2024, bởi các khoản nợ sẽ nhảy nhóm khi thông tư này hết hiệu lực. Vì thế, các nhà băng cũng như doanh nghiệp kỳ vọng được gia hạn Thông tư 02 đến hết năm nay. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, phấn đấu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%. Đối với Thông tư 02, theo Phó thống đốc, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, đánh giá, có thể điều chỉnh gia hạn.