CôngThương - Ngựa hóa thân thành người...
Ngày cuối năm, Dũng “ngọ” dành cho tôi một cuộc hẹn. Dù đã hẹn tới ba lần nhưng cuộc gặp không dễ dàng, bởi thời gian này anh đang dốc lực để vẽ tranh mà chủ yếu là tranh ngựa theo đơn đặt hàng. Tôi may mắn được anh tặng cuốn tranh ngựa Lê Trí Dũng vừa được xuất bản cuối tháng 12/2013 với hàng trăm bức đặc sắc. Không hiểu về hội họa, nên với tôi, xem tranh ngựa của anh chỉ là những mảng màu. Qua “bổ túc” của anh, tôi đã hiểu vì sao giới họa sỹ lại phong cho anh cái "nic" thân tình “Lê Trí Ngọ” hay “người vẽ ngựa đẹp nhất Việt Nam”. Điều đấy cũng dễ hiểu bởi đến nay anh sở hữu hàng “mớ” giải thưởng. Tranh của anh được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng châu Á – Thái Bình Dương (Ba Lan)…
Dũng bảo, tranh của anh tập trung vào ba mảng chính là chiến tranh, sen và ngựa. Trong đó, anh dành nhiều thời gian cho ngựa. Đếm sơ sơ hơn 30 năm cầm cọ, anh vẽ đến hàng ngàn bức tranh về ngựa với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Khi tôi hỏi, vì sao không phải là con vật khác mà lại chọn ngựa xuyên suốt sự nghiệp cầm cọ? Dũng kể: “Tôi mê ngựa từ bé. Con ngựa đầu tiên tôi vẽ trong đời là con ngựa Xích thố của Quan Vân Trường trong Tam Quốc chí. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ “Con ngựa toàn thân sắc đỏ như lửa, tịnh không có một cái lông nào tạp, ngày đi nghìn dặm”. Lớn lên lại biết thêm vô vàn ngựa hay khác như Ô Truy thích tuyết; Thiên Lý mã; Vạn Lý vân… chúng nhập vào hồn tôi để rồi xuất thần trong hàng ngàn bức tranh ngựa”.
Với Dũng, sau nhiều năm cầm cọ, ngựa đã hóa thân thành người, thành chính anh. Chỉ với mực tàu, bút lông, Dũng đã thể hiện được một phong cách vẽ ngựa với niềm đam mê đến tột cùng, với những đường nét uyển chuyển, đằm thắm, nhuần nhị về màu sắc. Những con ngựa hiện lên trên tranh lúc kiêu sa, lúc bí ẩn lãng mạn nhưng đều ngạo nghễ, mãnh liệt. Con ngựa Dũng khoái nhất là con ngựa đơn sắc anh vẽ năm 1983. Được thể hiện bằng mức tàu trên giấy dó, không màu sắc lòe loẹt, ngựa đơn sắc gần như chỉ hai màu đen trắng, quay lưng lại người xem, bờm xù, dáng thản nhiên, ngạo nghễ. “Đến nay đã hơn 30 năm, hình bóng con ngựa đó đã đi vào nhiều bức tranh khác, có thể thay đổi về hình dáng, chất liệu giấy vẽ nhưng khí phách thì vẫn hiên ngang, cương trực” – Dũng thổ lộ.
Chỉ với mực tàu, bút lông, Dũng đã thể hiện được một phong cách vẽ ngựa với niềm đam mê đến tột cùng, với những đường nét uyển chuyển, đằm thắm, nhuần nhị về màu sắc. Những con ngựa hiện lên trên tranh của Dũng lúc kiêu sa, lúc bí ẩn, lãng mạn nhưng đều ngạo nghễ, mãnh liệt. |
Không vẽ tranh thương mại
Dũng “ngọ” kể, năm 12 tuổi đỗ vào Trường sơ trung cấp mỹ thuật hệ 7 năm (Đại học Mỹ thuật bây giờ). Khóa học lúc bấy giờ chủ yếu các bạn ở các tỉnh vùng cao, vùng sâu, xa, Hà Nội chỉ có 7 người trong đó có Dũng. Học 6 năm, Dũng được “nhấc” lên đại học. Năm cuối đại học, khi chuẩn bị tốt nghiệp, theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh tham gia chiến trường bỏ lại kỳ thi dang dở. “Lúc đó, nếu có bằng đại học sẽ được phong thiếu úy, không có bằng thì chỉ là anh binh nhì tham gia trực tiếp vào trận tuyến. Nhưng chính trận tuyến đã hun đúc nhiều cảm xúc để sau này tôi phác họa lên từng bức tranh” – Dũng chia sẻ.
Rời quân ngũ, với tấm bằng đại học được hoàn thiện trong chiến tranh, Dũng được biên chế vào cơ quan nhà nước. Với vốn hội họa tích cóp được Dũng nhanh chóng được quy hoạch cán bộ nguồn. Nhưng niềm mê vẽ vẫn thôi thúc anh, thay vì làm quản lý, anh xin lãnh đạo cho được vẽ. Nhưng rồi cũng chẳng yên, bởi với tài hội họa của mình, nhiều người lo Dũng “cản” đường tiến thân của họ. Chán với “nhân tình thê thái” anh quyết định ra làm nghề tự do. Ở cái tuổi 36, con đường sự nghiệp mênh mang bỗng dưng đóng sập. Bạn bè ái ngại. Nhưng anh luôn trấn an: Mình có nghề lo gì đói.
Hơn 30 năm vẽ tự do, tranh của anh lúc nào cũng đắt hàng và chính tranh ngựa đã nuôi sống anh. Dũng thừa nhận “Không có ngựa, tôi chết đói từ lâu”. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, tranh bán chậm chạp thì tranh ngựa hút khách, bán theo “mớ” chừng 8 triệu đồng 1 bức, có những bức tới 5.000 – 7.000 USD.
Anh là họa sỹ thị trường? – Tôi hỏi? Dũng cười bảo: "Tôi không được liệt vào họa sỹ thương trường. Tranh của tôi không mang tính kinh doanh, vì vậy mà lại càng dễ bán. Người thưởng thức tranh bây giờ tinh lắm, những bức tranh mang nặng thương trường thường sẽ không có chiều sâu. Mọi giá trị về vật chất rất mong manh, luôn thay đổi theo thời gian và dễ bị phủ nhận. Chỉ còn nghệ thuật là tồn tại mãi mãi". Dũng minh chứng rằng, nhiều khi có những bức tranh anh vẽ công phu nhưng vì có người mê nó, hiểu được giá trị của nó anh đã tặng không. Song, có những người có tiền, có quyền lực hay ý tưởng lố bịch, dù trả nhiều tiền anh cũng quyết không nhận vẽ.
Kết thúc câu chuyện chóng vánh của tôi và anh bằng sự hồ nghi: Với hàng ngàn bức vẽ về một con vật, liệu có trùng nhau? Nhưng nhìn anh, nghe anh nói về ngựa với một niềm say mê như vậy, tôi chợt nhận ra rằng, nếu không có cảm xúc, sức sáng tạo của một tài năng thì khó có thể xuất thần được hàng ngàn bức tranh ngựa với dáng vẻ khác nhau cuốn hút đến vậy.