Lễ hội XQ: Độc đáo tại Festival biển Nha Trang
Giấy Trúc Chỉ đã được thêu, làm tranh đèn phong nền trình diễn tại lễ hộ iXQ bên bờ biển
- Từ sợi chỉ mơ ước
Qua các mùa Festival Biển, lễ hội XQ Nha Trang được thực hiện bởi những người thợ thêu, nghệ nhân, nghệ sĩ XQ (100% cây nhà lá vườn). Từ phần lễ đến phần hội của XQ đều là những cuộc trình diễn hoàn mỹ, dẫn dắt người tham dự vào thế giới của chân- thiện- mỹ bằng những hình ảnh gần gũi, thanh tao của chiếc áo dài Việt Nam, bằng những giọng hát chân tình của nghệ nhân XQ với những bản tình ca bất hữu... Mỗi năm một kịch bản “không đụng hàng”, không đạo diễn đẳng cấp, không nghệ sĩ chuyên nghiệp, song lễ hội XQ lại “hút hồn” người ta hơn mọi cuộc phô diễn nghệ thuật đẳng cấp và chuyên nghiệp trong các mùa Festival. Tất cả đều bắt đầu từ tình yêu dành cho “sợi chỉ mơ ước”.
Nếu năm 2011, lễ hội XQ nổi bật với hình ảnh hàng trăm thợ thêu trong trang phục áo dài và chiếc xe đạp giản dị, chở những chậu hoa hồng, từ đôi nối nhau dài hàng cây số diễu hành trên đường Trần Phú, thì lễ hội XQ năm nay (2013), những tà áo dài ấy lại tha thướt với những gánh thơ, vừa rao bán, vừa ngâm giữa phố người tấp nập bên bờ biển Nha Trang…
Trong nghi lễ khai trương “con đường lửa”, khởi bật kho báu từ những chiếc rương cổ (tối 1/6/2013), ông Võ Văn Quân và bà Hoàng Lệ Xuân đã không quên lồng ghép phần hội dành cho tình mẫu tử, cho các cháu thiếu nhi - con cái của những người thợ thêu. Từ các nghi thức giỗ Việt Nam Quốc Mẫu Âu Cơ, trao vương miện đôi tay vàng cho người thợ thêu đoạt giải của XQ Việt Nam, hàng chục các chương trình lễ, hội của XQ được tổ chức trên bờ biển Nha Trang không chỉ thổi một luồng sinh khí thơ, nhạc, họa và lửa vào lòng người, vào lòng TP. biển, mà còn gửi thông điệp về văn hóa ứng xử, văn minh nhân loại…
Đến giấc mơ sau lũy tre làng
Cũng trong dịp lễ hội Festival Biển năm nay, XQ lại chú trọng tôn vinh một loại sản phẩm mới, lạ, mang hồn quê gốc Việt, đó là giấy Trúc Chỉ. Trên cơ sở quy trình làm giấy dó thủ công truyền thống Việt Nam, nguyên liệu tre đã được sử dụng thay thế nguyên liệu vỏ dó; kết hợp thêm các phương thức tạo tác khác để tạo nên những tác phẩm giấy nghệ thuật có tên là Trúc Chỉ (trúc là tre và chỉ là giấy). Trúc Chỉ là một sự khác lạ của kỹ thuật làm giấy. Nó có thể là một phương tiện tạo hình thay cho sơn dầu, sơn mài, có thể đứng độc lập như một tác phẩm nghệ thuật, có thể là một sản phẩm thương mại…
Trúc chỉ là sản phẩm được tiếp sức bởi năng lượng kỹ thuật và sáng tạo để quay về với những giá trị truyền thống của văn hóa, của tính nhân văn. Nó thành tựu của một đề tài nghiên cứu và chế tác do Họa sỹ Phan Hải Bằng- giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế khởi lập.
Nằm trong chuỗi sự kiện của lễ hội XQ, lễ hội “Giấc mơ sau lũy tre làng qua nghệ thuật Trúc Chỉ” (chiều tối 5/6/2013), công nghệ sản xuất, giá trị nghệ thuật, văn hóa, thương mại của Trúc Chỉ đã được tôn vinh. Họa Sỹ Phan Hải Bằng- giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế- người chế tác ra sảm phẩm giấy Trúc Chỉ cho biết: “Tôi và những cộng sự đã có trên 10 năm nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm nghệ thuật này. Kết hợp với các chất liệu khác: da, chỉ, đồng, bạc, tre, gỗ… Cùng với các nghề truyền thống: thêu, đan lát, sơn mài, tranh truyền thống, đúc đồng, tiện gỗ, chạm bạc, làm nón…Trúc Chỉ sẽ tạo thành các sản phẩm độc đáo. Song, XQ lại là người đưa Trúc Chỉ ra ánh sáng. Anh Quân và chị Xuân không chỉ trân trọng tác phẩm của chúng tôi, mà còn tiếp sức và đồng hành cùng chúng tôi khám phá hết giá trị của giấy Trúc Chỉ. Những nghệ nhân, thợ thêu XQ chính là những người thực hiện vai trò phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo của loại sản phẩm này…”.
Quỳnh Mỹ