Lào Cai chặn đứng xuất lậu khoáng sản
- Lào Cai có cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia cùng hàng trăm đường mòn len lỏi dọc tuyến biên giới dài hơn 200 km. Thành phố Lào Cai cũng nằm ngay cửa ngõ biên giới, giao thông bằng đường sắt và đường bộ thuận tiện. Những đặc điểm này là lợi thế để phát triển kinh tế song cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, đặc biệt là xuất lậu khoáng sản.
Xuất lậu bằng nhiều cách
Theo ông Nguyễn Bá Bình, hoạt động xuất lậu và gian lận thương mại khoáng sản ngày càng diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi. Năm 2011, lượng khoáng sản xuất lậu bị cơ quan chức năng thu giữ khoảng 30.000 tấn. Xuất lậu khoáng sản tập trung vào những loại có giá trị kinh tế lớn như: vonfram, niken... Các đối tượng thường chứa quặng trong bao tải nhỏ, vận chuyển trong đêm tối, tập kết tại nhà dân hoặc kho hàng ngụy trang gần sông Nậm Thi. Sau đó, dùng các loại thuyền nhỏ, lẻ đưa hàng sang bên kia biên giới. Trong khi đó, việc bắt giữ đầu nậu lại hết sức khó khăn do các chủ hàng ít lộ diện mà thuê dân địa phương vận chuyển và sẵn sàng chống đối khi bị phát hiện.
Đối với khoáng sản có giá trị không cao như: quặng sắt, chì kẽm, đồng… do xuất lậu theo phương thức nhỏ, lẻ không đem lại lợi nhuận nên các đối tượng thường gian lận thương mại trong xuất khẩu. Việc gian lận diễn ra dưới hình thức khai gian về số lượng, trị giá, gian lận về tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu, trị giá tính thuế, giả mạo hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa các lô hàng không rõ nguồn gốc. Thậm chí, một số DN được phép xuất khẩu đã lợi dụng sơ hở kiểm soát của hải quan để khai gian số lượng khoáng sản xuất khẩu. Ngoài ra, DN còn tìm cách gian lận qua giá. Tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, các DN khai giá tính thuế mặt hàng quặng sắt cao nhất chỉ khoảng 550.000 đồng/tấn, có DN khai thấp hơn rất nhiều, chỉ 200.000 đồng/tấn. Giá thực tế phải cao hơn 2 - 3 lần giá khai báo.
Theo quy định, khoáng sản xuất khẩu, ngoài điều kiện về hàm lượng, điều kiện đã qua chế biến thì phải đáp ứng điều kiện về nguồn gốc hợp pháp. Tức là khoáng sản phải được khai từ các mỏ, điểm mỏ không nằm trong quy hoạch cân đối phục vụ hoạt động chế biến sâu trong nước. Tuy nhiên, do đặc thù của mặt hàng khoáng sản thường không có bao bì,
nhãn mác; quặng được đổ xả trên xà lan, tàu hoặc trong hầm hàng... nên lực lượng kiểm tra, kiểm soát rất khó khăn trong việc xác nhận số lượng, trọng lượng, nguồn hàng...
Phương án khả thi
Trước thực trạng này, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai đã có nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chống xuất lậu khoáng sản. Một là, tỉnh yêu cầu các DN có giấy phép xuất khẩu khoáng sản phải xây dựng phương án, tuyến đường vận chuyển. Từng xe vận chuyển phải có biển phụ để các lực lượng chức năng dễ kiểm tra, kiểm soát và tránh mua - bán lòng vòng. Hai là, thành lập tổ liên ngành kiểm tra các mặt hàng khoáng sản trước khi xuất khẩu và đặc biệt là xây dựng trạm cân để tất cả các phương tiện phải cân trước khi xuất khẩu, tránh gian lận về khối lượng.
Tại hai bên cánh gà Cửa khẩu quốc tế Lào Cai, do địa hình rất phức tạp, tỉnh đã thành lập hai tổ liên ngành chống buôn lậu gồm QLTT, công an, hải quan. Khi phát hiện vi phạm, các lực lượng này huy động thêm cán bộ, chiến sĩ, tổ chức phối hợp… để quản lý, ngăn chặn xuất lậu cũng như các mặt hàng nhập lậu.
Ngay sau khi có Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, tỉnh đã tạm ngừng xuất khẩu khoáng sản qua địa bàn. Cùng với các biện pháp siết chặt hoạt động xuất khẩu đã thực hiện trước đó, Lào Cai đã cử các lực lượng chức năng thường xuyên túc trực tại những điểm “nóng” khai thác, nhằm ngăn chặn xuất lậu ngay từ đầu nguồn. Kết quả của những phương án trên hiện tại là hết sức khả quan.
Nhật Quang