Bộ Công Thương: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi, vùng dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm Quảng Ninh: Định hướng sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ nông sản đặc trưng |
Lạng Sơn là địa phương nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, có nhiều nét văn hóa độc đáo cùng sản phẩm đặc sắc, đặc trưng, tiêu biểu của mỗi dân tộc. Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã xác định trọng tâm của việc thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào và hiệu quả của các hoạt động này ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn |
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên là trên 8.300km2, dân số là trên 802.000 người, gồm có 7 dân tộc chính là Nùng, Tày, Dao, Mông, Sán Chay, Hoa, Mông… trong đó dân tộc thiểu số chiếm 82%.
Là một tỉnh có địa hình phức tạp, khí hậu thổ nhưỡng rất đa dạng, đất đai cơ bản màu mỡ phù hợp cho nhiều loại cây trồng, nhờ vậy mà tỉnh Lạng Sơn có những sản phẩm hết sức đa dạng và mang tính đặc trưng, đặc thù.
Hiện nay tỉnh Lạng Sơn có 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó là các sản phẩm đặc trưng như là quýt vàng Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên, na Chi Lăng, hoa hồi, thạch đen…
Đối với việc thúc đẩy sản xuất trong nước, trong những năm vừa qua, tỉnh Lạng Sơn hết sức quan tâm đến việc thúc đẩy sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp nông thôn. Trong đó, cùng với chính sách của Nhà nước, tỉnh Lạng Sơn cũng ban hành những chính sách và các cơ chế đặc thù, kế hoạch, các quy hoạch để tổ chức thực hiện.
Cụ thể, Lạng Sơn đã có những kế hoạch hành động về phát triển chuỗi giá trị của cây hồi, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu với chế biến hàng xuất khẩu của tỉnh, chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực của tỉnh, các Đề án tổ chức lại sản xuất gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất sản phẩm...
Thời gian qua, việc triển khai các chính sách nêu trên cũng đã góp phần hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả bền vững và hướng về xuất khẩu. Nhiều vùng sản xuất tập trung cũng đã được hình thành và hiện tại cũng đang duy trì thực hiện tốt. Nhiều sản phẩm của địa phương đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ và góp phần phát triển thương hiệu, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đối với việc phát triển thị trường sản phẩm, tỉnh Lạng Sơn cũng đã quan tâm đến các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm đối tác để tìm đầu ra cho sản phẩm địa phương. Sở Công Thương Lạng Sơn đã triển khai nhiều các biện pháp phát triển thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, của tỉnh Lạng Sơn, và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác, liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, các chương trình phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ quảng bá, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm quốc tế.
Đặc biệt, theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và tỉnh Lạng Sơn, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Bằng Tường, Trung Quốc để tổ chức các Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung thường niên. Thông qua Hội chợ này, chúng tôi đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh trưng bày, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như tại thị trường Trung Quốc.
Lạng Sơn đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc |
Trong thời gian tới tới, Sở Công Thương và các đơn vị ở tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh phát triển các thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử. Đồng thời, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch và định hướng xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP tại các vùng du lịch trọng điểm nhằm phát triển kinh tế du lịch, kinh tế đêm. Thêm nữa, thông qua việc mua bán các sản phẩm dịch vụ của tỉnh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ tâm nhập sâu vào thị trường và đạt giá trị gia tăng cao nhằm phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Xin ông cho biết, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã gặp những thuận lợi và khó khăn ra sao trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm?
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình đưa sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số, thị trường đã gặp rất nhiều thuận lợi và khó khăn.
Thuận lợi đầu tiên rất quan trọng, đó là sự quan tâm của tỉnh Lạng Sơn, cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Công Thương. Đồng thời là với sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, các huyện, thành phố, tất cả đều chung mục tiêu thúc đẩy đưa sản phẩm nông nghiệp của bà con dân tộc thiểu số ra thị trường đến với tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhận thức của các hộ sản xuất rồi của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình đưa sản phẩm vào thị trường cũng đã có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực. Chúng tôi đã hình thành được nhiều vùng sản xuất, nhiều chuỗi liên kết, liên doanh để nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định và đảm bảo về chất lượng cũng như là về số lượng, đồng thời là giữ được thương hiệu cũng như bản sắc của sản phẩm.
Đồng thời, điều kiện địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Lạng Sơn cũng đã tạo ra cho tỉnh Lạng Sơn những sản phẩm hết sức đặc hữu, nhiều sản phẩm mang đặc trưng riêng. Đây cũng là một điểm thuận lợi trong quá trình đưa các sản phẩm vào thị trường.
Đặc biệt, tôi thấy rằng là các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến câu chuyện cùng hợp tác với người dân để thu mua, chế biến, đưa sản phẩm của bà con ra thị trường.
Về khó khăn, trước hết, các sản phẩm của bà con chủ yếu mang tính chất thời vụ, do vậy việc mà cung cấp thường xuyên cũng bị hạn chế.
Thứ hai là một số loại sản phẩm thì số lượng chưa lớn, chưa đáp ứng được nhu cầu của các thị trường lớn ở trong nước cũng như là thị trường quốc tế.
Thứ ba là các cơ sở sản xuất, chế biến của tỉnh Lạng Sơn chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy công nghệ chế biến và hoạt động sản xuất vẫn còn hạn chế, dẫn tới việc chất lượng sản phẩm ra có những lúc chưa được ổn định.
Thứ tư là nhận thức của người tiêu dùng. Đôi khi một bộ phận người tiêu dùng chưa quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, mua bán theo chất truyền thống, chưa quan tâm đến thương hiệu, nhãn mác cũng như độ ổn định của sản phẩm, gây khó khăn cho việc là đưa đi sản phẩm vào thị trường.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn có mong muốn kết nối cũng như là liên kết với các doanh nghiệp và các địa phương khác như thế nào để tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thưa ông?
Sở Công Thương, các sở, ngành tỉnh Lạng Sơn đã, đang và sẽ thực hiện các hoạt động kết nối giao thương với các doanh nghiệp lớn trên các địa bàn của tỉnh Lạng Sơn cũng như trên toàn quốc để đưa sản phẩm hàng hoá của bà con dân tộc vào thị trường và đặc biệt vào những thị trường lớn.
Chúng tôi cũng rất mong muốn được sự quan tâm hợp tác của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cũng như là các siêu thị, các nhà hàng lớn quan tâm và phối hợp cùng Sở Công Thương để thực hiện đưa sản phẩm của bà con ra thị trường.
Xin cảm ơn ông!