CôngThương - Sản phẩm thêu ren Quất Động khá đa dạng, từ các sản phẩm thêu ren thờ cúng, lễ hội (câu đối, lọng, cờ biển, các loại trướng) đến các mặt hàng dùng trong cuộc sống hàng ngày như: áo dài, áo phông, túi xách, tranh phong cảnh, tranh Đông Hồ,…Các sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nghề thêu ren đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở đây. Hiện, mỗi thợ thêu có mức thu nhập từ 50 - 100 nghìn đồng/ngày.
Hiện, giá bán các sản phẩm thêu ren khá đa dạng, phụ thuộc vào đơn đặt hàng của khách hàng và độ tỉ mẩn của đường thêu. Trong đó, đắt nhất vẫn là tranh thêu chân dung, dao động trong khoảng 10 – 20 triệu đồng.
Để thêu đẹp, cuốn hút thì ngoài yếu tố kỹ thuật, những hiểu biết căn bản, những người thợ thêu Quất Động còn có tâm hồn nhạy cảm, kiên trì thì mới miêu tả được vẻ đẹp tinh tế, phóng thoáng của cảnh vật. Ở họ còn có đôi bàn tay khéo léo, với độ cảm nhận ở đầu ngón tay cùng ánh mắt tinh nhanh dễ dàng phân biệt từng đường kim, mũi chỉ, phối hợp màu sắc, hình mảng linh hoạt.
Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhiều xưởng thêu quy mô lớn tại Quất Động đã được mở ra. Hiện nay trên toàn xã có tới 20 doanh nghiệp, cơ sở thêu, tạo việc làm cho hàng trăm người. Tuy nhiên, thời gian gần đây, làng nghề Quất Động đang đứng trước nguy cơ mai một. Nguyên nhân do sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, thiếu đầu ra ổn định cho sản phẩm đang là thực trạng của nghề thêu truyền thống ở Quất Động. Hiện trong làng cũng nhiều người thêu tranh giỏi nhưng vì không có vốn và không tìm được đầu ra nên chỉ có thể nhận hàng đặt, còn tự mình thêu một bức để bán rất hiếm. Sức tiêu thụ giảm khiến người dân bỏ nghề ngày càng nhiều, số lượng hộ gia đình có thể sống bằng nghề thêu ren chỉ dao động trong khoảng từ 140-170 hộ.
Ông Nguyễn Xuân Tiến - cán bộ xã Quất Động - cho biết, để duy trì làng nghề, xã sẽ triển khai các biện pháp quảng bá sản phẩm làng nghề, có chính sách thích hợp nhằm giữ vững nghề truyền thống của xã đã tồn tại nhiều thế kỷ qua.