Thứ hai 23/12/2024 15:22
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc

Làm sâu sắc thêm dòng chảy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Theo thông báo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2022.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đây là lần thứ ba Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc và là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng ta tới nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên có chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngay sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong điện mừng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọngcho biết luôn luôn hết sức coi trọng và sẵn sàng cùng Tổng Bí thư Tập Cận Bình tiếp tục dành sự quan tâm cao độ, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hai bên quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Trong điện mừng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong sớm được gặp lại Tổng Bí thư Tập Cận Bình để cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước.

Những năm gần đây, mặc dù môi trường hợp tác toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột và đại dịch, những cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao Việt Nam-Trung Quốc diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức linh hoạt đã giúp thúc đẩy tăng cường tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Cùng đó giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và quan hệ kinh tế-thương mại được mở rộng, đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đã duy trì các cuộc trao đổi trực tuyến. Trong thời gian từ năm 2020 đến 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã có 4 lần điện đàm trong đó hai nhà lãnh đạo đã đi sâu trao đổi những phương hướng củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn mới nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thiết thực hiệu quả hơn, nền tảng hữu nghị, hợp tác, phát triển vững chắc hơn.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa từ ngày 30/10 đến 2/11/2022 tiếp tục khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, coi đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc.

Những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mạiViệt Nam-Trung Quốc giữ vững đà phát triển ổn định. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới. Lũy kế đến giữa năm 2022, Trung Quốc xếp thứ 6/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 22,31 tỷ USD. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt được nhiều tiến triển nổi bật, trong đó chanh leo Việt Nam được thí điểm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kể từ tháng 7/2022 và sầu riêng tươi xuất khẩu từ Việt Nam cũng đã chính thức thông quan những chuyến xe đầu tiên trong tháng 9/2022.

Năm 2022, hai bên cũng tiến tới ký kết nhiều văn bản hợp tác, gồm: Hiệp định Hợp tác kinh tế kỹ thuật về cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc cho tài khóa 2020; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; hay Thỏa thuận hợp tác về Dự án nghiên cứu so sánh môi trường địa chất và tai biến địa chất biển khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang…

Trong buổi điện đàm mới đây giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường tiếp xúc cấp cao và các cấp, nhất là thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, phát triển lành mạnh, hài hòa, bền vững; thúc đẩy giao lưu, đi lại của người dân hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tích cực phối hợp để đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng; đề nghị Trung Quốc tạo thuận lợi về thông quan, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nhất là đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam; khôi phục toàn diện hoạt động tại các cặp cửa khẩu biên giới và nâng cao năng lực thông quan; phối hợp triển khai, tận dụng tốt cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do đa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; tích cực trao đổi, giải quyết vấn đề tồn đọng tại một số dự án hợp tác giữa hai nước, như dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, Nhà máy Phân đạm Ninh Bình, Nhà máy Phân đạm Hà Bắc...; sớm mở thêm các chuyến bay thương mại giữa hai nước; nâng tầm hợp tác, ứng phó có hiệu quả với các thách thức mới nổi lên, cùng nhau hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường đánh giá cao, bày tỏ coi trọng và đồng tình với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước, nhất là mở cửa hơn nữa thị trường cho nông sản Việt Nam; phối hợp thúc đẩy giải quyết các dự án hợp tác quan trọng còn tồn đọng kéo dài...

Thủ tướng Lý Khắc Cường đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy ưu thế của mỗi bên để cùng mở rộng khai thác thị trường thế giới. Trên cơ sở phối hợp tốt trong công tác phòng chống dịch COVID-19, phía Trung Quốc thông báo sẵn sàng thúc đẩy khôi phục các hoạt động giao lưu nhân dân, hoan nghênh lưu học sinh Việt Nam trở lại Trung Quốc, gia tăng tần suất các chuyến bay thương mại giữa hai bên.

Chúng ta chúc chuyến thăm chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp. Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực, giúp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới, đồng thời làm sâu sắc thêm những dòng chảy trong quan hệ giữa hai nước.

Quang Lộc
Bài viết cùng chủ đề: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tin cùng chuyên mục

PGS.TS. Lê Hải Bình: Chống lãng phí - Điều kiện tiên quyết để đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Đang diễn ra Diễn đàn Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng: Phải thay đổi quan niệm về chất lượng nhà ở xã hội

Thủ tướng: Cần đa dạng hóa nguồn vốn xây dựng đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng

Thủ tướng chúc mừng Giáng sinh 2024 tại Giáo xứ Lào Cai

Chống lãng phí cũng phải quyết liệt, đồng bộ như chống tham nhũng

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế

Tổng kiểm kê tài sản công, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn