Chủ nhật 22/12/2024 15:15

“Làm sạch” thị trường chứng khoán Việt Nam

Cho rằng, sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) quản lý yếu kém; thị trường chứng khoán có những cổ phiếu “rác”, có tình trạng doanh thu và lợi nhuận giả, vốn điều lệ khống, thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính... Vì vậy, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), mới có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính… kiến nghị thanh tra “làm sạch” thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi VAFI có kiến nghị “làm sạch” thị trường chứng khoán nêu trên, thì tân Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc, cũng đã giao Thanh tra Bộ Tài chính tiến hành thanh tra hành chính sàn HOSE để xác định nguyên nhân và tình trạng nghẽn lệnh giao dịch tại sàn này.

Yếu kém trong quản lý

VAFI cho rằng, HOSE không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ thông tin mà còn yếu kém về công tác quản lý giám sát thị trường. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI, tại HOSE, có nhũng loại cổ phiếu “rác” (không đủ tiêu chuẩn niêm yết) tồn tại, mà các cổ phiếu này còn công khai làm giá, thổi giá đẩy giá trị cổ phiếu cao gấp hàng chục, hàng trăm lần giá trị thực. Các đối tượng thao túng giá cổ phiếu bằng nhiều thủ đoạn, như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, làm giả tài khoản nước ngoài, làm giả báo cáo tài chính, thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá chứng khoán, tạo doanh thu lợi nhuận giả và tạo vốn điều lệ ảo cao gấp hàng chục, hàng trăm lần số vốn thực có để “bán giấy lấy tiền thực”.

Theo VAFI, trong 20 năm qua, HOSE vận hành phần mềm giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp, mà không thể làm chủ được công nghệ. Trong khi, Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, bản thân họ không làm ra phần mềm giao dịch mà phải đi mua, nhưng họ không chỉ nhanh chóng làm chủ vận hành, mà còn có khả năng bán phần mềm cho HOSE. Tại HOSE, cứ mỗi lần trục trặc, lại khẩn cấp mời chuyên gia Sở Giao dịch Thái Lan sang giải quyết.

Cần phải tìm hiểu chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HOSE, có phải họ không làm chủ được công nghệ vận hành hay không, mà mỗi lần có sự cố, lại không thể giải quyết được. Trong khi đó, chuyên gia công nghệ thông tin trong nước có đủ khả năng để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh tại HOSE. VAFI đặt câu hỏi, tại sao HOSE không lựa chọn nhà thầu mạnh về công nghệ thông tin trong nước bảo quản hệ thống giao dịch?

Khai trương giao dịch chứng khoán. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, VAFI cũng phản ánh, dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, chỉ là một dự án nhỏ, mà khởi động từ năm 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thành, chậm trễ, cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao, giá trị dự án có đội giá lên không...?

Thổi giá cổ phiếu…

VAFI cho rằng, thực chất các cổ phiếu rác đang tồn tại là các cổ phiếu không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HOSE, thế nhưng lại được chọn vào rổ chỉ số VN30 trong 6 năm qua (từ 2014-2020). Những cổ phiếu này đã có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản.

Theo VAFI, hầu hết các nhà đầu tư giá trị tránh xa các cổ phiếu rác, còn hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán thì lại lao vào giao dịch, những chủ doanh nghiệp này đã có cơ hội “bán giấy thu lợi” hàng ngàn tỷ đồng. Có tình trạng giá cổ phiếu “rác” thấp hơn nhiều so với mệnh giá cổ phần, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng mệnh giá cổ phần. Những thương vụ kiểu này, nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường không thể mua nổi, nhà đầu tư giá trị cũng không mua, vậy thì ai mua, ai tài trợ, hay chỉ là vấn đề tăng vốn điều lệ để “bán giấy (?)”.

VAFI gợi ý, Thanh tra Bộ Tài chính có thể vào diễn đàn chứng khoán F.319 để tìm hiểu về những cổ phiếu “rác”. Tại sao những loại cổ phiếu “rác” lại được tôn vinh đưa vào rổ chỉ số VN30? Ai có lợi trong việc này, ai bị thiệt hại trong việc này, ai chịu trách nhiệm về việc này, cần làm rõ?

Đề xuất 3 nội dung thanh tra

VAFI đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các chuyên gia thanh tra giỏi tiến hành thanh tra các nội dung nêu trên. Đặc biệt, trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, có thể làm thí điểm một nhóm nhiều công ty thuộc một nhóm cổ đông chủ chốt sở hữu, tiến hành thanh tra đồng bộ, trong đó mấu chốt có công ty chứng khoán để làm rõ những vi phạm. VAFI đề xuất:

Thứ nhất, thanh tra cổ phiếu “rác” mà các nhà đầu tư giá trị xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mức mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy dộng được “nhà đầu tư chiến lược’’ để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40% - 50%. Theo VAFI, không khó để xác định “các nhà đầu tư chiến lược’’ từ cơ sở dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Cần làm rõ tại sao họ mua giá cao rồi bán thấp, chẳng lẽ họ chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỷ đồng, hay đó chỉ là thủ tục mua, sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành từ đó có cơ sở “bán giấy thu tiền thực”? Tại sao cơ quan quản lý dễ dàng chấp thuận những đợt phát hành mới kiểu này.

Thứ hai, thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp “bán giấy thu tiền” về. Những dạng doanh nghiệp kiểu này, thường tạo lập báo cáo tài chính giả để kiểm toán ghi nhận...

Thứ ba, thanh tra công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình. Cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích, nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện. Theo VAFI, không khó xác định vấn đề này khi người có thu nhập bình thường, lại có thể thường xuyên giao dịch hàng chục, hàng trăm tỷ… Cần yêu cầu Trung tâm Lưu ký chứng khoán cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả.

Với những công ty chứng khoán không đáng tin cậy, thì hầu như không có nhà đầu tư lớn (không có quan hệ với nhóm lừa đảo) hay nhà đầu tư giá trị mở tài khoản tại đó, từ đó rất dễ xác định các nhà đầu tư giả được công ty chứng khoán sử dụng để thao túng giá chứng khoán. Tại những công ty chứng khoán kiểu này, việc xác định “nhà đầu tư nước ngoài’’ đang mở tại đó là giả hay thật cũng không khó. Bởi vì, các nhà đầu tư nước ngoài giả, thường là các lao động Việt Nam ở nước ngoài và được lợi dụng.

Đại diện VAFI cho biết, đưa ra những kiến nghị nêu trên là nhằm góp phần cho thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ngọc Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường chứng khoán

Tin cùng chuyên mục

Cổ phiếu HHV: Nhiều triển vọng bứt phá năm 2025

LPBank bổ nhiệm thêm thành viên Ban điều hành, tạo động lực cho chiến lược phát triển toàn diện

'Cái bắt tay' trị giá 100 tỷ USD giữa ông Donald Trump và tỷ phú Nhật Bản

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

Chứng khoán Bảo Việt: đón nhận nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế 25 năm trên thị trường

Sớm thành lập các trung tâm tài chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

D2D dự chi 233 tỷ đồng làm 6 nhà xưởng cho thuê, hoàn vốn sau 10 năm

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Việt Nam là điểm sáng trong chính sách đầu tư của các tập đoàn toàn cầu

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Dòng vốn 3.000 tỷ đồng kỳ vọng vực dậy DIC Corp

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cơ hội để Việt Nam hút vốn ngoại

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Nhận diện thách thức, tìm cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025

Đón 'sóng' thoái vốn nhà nước của VNSteel, nhà đầu tư trúng đậm

Thêm tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Đề xuất rút ngắn quy trình niêm yết chứng khoán xuống 30 ngày