Thứ tư 27/11/2024 22:42

Làm gì để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng phát triển?

Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, hoàn thiện hạ tầng, tăng cường các hoạt động kết nối để tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ thành phố Đà Nẵng phát triển.

Doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ còn nhiều điểm nghẽn

Tại Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng sáng 4/11 tại thành phố Đà Nẵng, nói về thực trạng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ nước ta hiện nay, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng: Mặc dù doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo ngày một góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn những điểm nghẽn lớn. Đó là, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu; công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối tương đối nghiêm trọng, phụ thuộc lớn vào các yếu tố nước ngoài; phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ghi nhận và giải đáp các kiến nghị của các doanh nghiệp, đơn vị góp phần thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng nói chung, cả nước nói riêng phát triển

Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế trong hệ thống chính sách và pháp luật phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ hỗ trợ như chưa có một luật chuyên ngành nào về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp nói chung và các phân ngành công nghiệp nói riêng còn nhiều yếu kém; các chính sách định hướng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp không phát huy được nhiều hiệu quả; tổ chức bộ máy phát triển công nghiệp hiện nay chưa thực sự hiệu quả.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước. Cụ thể như hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp luật làm nền tảng, cơ sở cho phát triển công nghiệp; bố trí nguồn lực phù hợp để tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ mà Việt Nam có lợi thế; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; thúc đẩy phát triển hệ thống doanh nghiệp công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực;…

Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Cần xây dựng dữ liệu dùng chung, hoàn thiện hạ tầng và tăng tính liên kết

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng để công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ phát triển cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung (database) để doanh nghiệp kết nối.

Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC): Bộ Công Thương và UBND thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách để giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển. Bản thân DRC được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, làm trợ lực hiệu quả để doanh nghiệp phát triển.

Chia sẻ những giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng trong thời gian qua, ông Bùi Quang Hải – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết, hợp tác đầu tư. Sở Công Thương giữ vai trò kết nối hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ưu tiên bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Đồng tình với quan điểm này, ông Christopher Valoon – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Đà Nẵng (AmCham Đà Nẵng) cho rằng cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu để doanh nghiệp công nghiệp kết nối. Ngoài ra, đại diện AmCham cũng lưu ý cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. “Một trong những khó khăn của doanh nghiệp FDI hiện nay đó là có một khoảng chênh lệch rõ ràng giữa trình độ đào tạo cho sinh viên Việt Nam với yêu cầu thực tế trong hoạt động của doanh nghiệp FDI nói riêng, quốc tế nói chung”, ông Christopher Valoon nói.

Tại Hội nghị đã có 6 cặp đơn vị ký kết ghi nhớ hợp tác, kết nối trong các lĩnh vực như cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ gia công cơ khí, cung ứng bao bì, nhãn mãn sản phẩm cơ khí, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp cơ khí đầu tư phát triển, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Bên cạnh cơ sở dữ liệu, theo nhiều doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng phải sớm hoàn thành các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

“Các doanh nghiệp FDI rất quan tâm đến việc hoàn thiện các hạ tầng lớn như dự án Cảng Liên Chiểu để việc kết nối thông thương thuận lợi hơn”, đại diện AmCham nói.

Ông Phan Duy Phương - Phó Giám đốc Công ty Phương Quân U&I Đà Nẵng đề nghị thành phố quan tâm bố trí để doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nói riêng sớm có mặt bằng sản xuất ổn định.

Đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị kết nối Công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp cho rằng cần thiết tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn các hội nghị kết nối để doanh nghiệp tìm kiếm được đối tác, cùng chia sẻ, liên kết phát triển.

Ông Đỗ Minh Tâm - Tổng giám đốc THACO Industries (thành viên Thaco Group) cho rằng, cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp. Trong đó, những doanh nghiệp đầu đàn đã tham gia được chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò kết nối chia sẻ về công nghệ, quản trị và đơn hàng để giúp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị (nhà cung cấp cấp 2, 3), từng bước trở thành nhà cung cấp lướn hơn cho các đối tác. “Để làm được điều này có vai trò, bệ đỡ rất lớn của các chính sách, nhất là vai trò của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương thông qua các chương trình kết nối”, ông Tâm nói.

“Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương, Sở Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện các doanh nghiệp kết nối; để doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp trong nước, góp phần khắc phục yếu điểm đứt gãy chuỗi nguyên liệu toàn cầu”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) kiến nghị.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương làm trợ lực để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển

Để kết nối công nghiệp hỗ trợ đạt hiệu quả trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các hoạt động công nghiệp hỗ trợ tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Bên cạnh đó, đề nghị các tỉnh thành cùng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc giới thiệu, mời doanh nghiệp tham gia kết nối hỗ trợ. Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động kết nối công nghiệp hỗ trợ định kỳ. Về phía các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách của Trung ương, địa phương để thụ hưởng có hiệu quả nhất; chủ động cung cấp chia sẻ thông tin và tham gia các kết nối.

Các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối tại Hội nghị

Ghi nhận các kiến nghị, ý kiến từ phía các doanh nghiệp, đơn vị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đi sau vì vậy so với các doanh nghiệp FDI thì năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả thì đề nghị các doanh nghiệp FDI sẽ sử dụng linh kiện, sản phẩm Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải khẳng định được chất lượng, giá cả sản phẩm của mình – đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngoài hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với nhau, Bộ Công Thương cũng đang hướng tới kết nối các nhà cung cấp của Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia, một điển hình đã thực hiện đó là kết nối các đơn vị cung cấp Việt Nam với tập đoàn Samsung. “Cần phải xác định, công nghiệp hỗ trợ không thể không làm, không thể không quan tâm. Nhưng, doanh nghiệp Việt Nam đi sau nên rất nhiều khó khăn, vì vậy, các doanh nghiệp trước hết phải cố gắng. Bộ Công Thương cùng các địa phương sẽ cùng phối hợp, luôn quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều nhất trong khả năng có thể”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Vũ Lê - Đức Thảo
Bài viết cùng chủ đề: thành phố Đà Nẵng

Tin cùng chuyên mục

TP. Hải Phòng hướng đến phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững

Quảng Ninh khẳng định vai trò đầu mối, thúc đẩy liên kết vùng

An Giang: 'Trải thảm đỏ' thu hút đầu tư hàng loạt dự án công nghiệp lớn

Thừa Thiên Huế: Di dời hơn 200 hộ dân sống ở vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Quảng Nam: Sóng lớn lại xé toạc bờ biển Hội An

Quảng Nam: Phát hiện một cá thể voi đi lạc giữa đồng bằng

Quảng Ninh: Đông Triều nỗ lực hướng tới môi trường xanh trong sản xuất, khai thác than

An Giang: Giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng

Tuyên Quang: Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, phát triển chợ, siêu thị

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics xanh

Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024 tại Thái Bình

Hạ tầng số hiện đại - 'chìa khóa' để Quảng Ninh tăng tốc chuyển đổi số

Quảng Ninh: Tăng tốc hoàn thành kế hoạch, giữ vững tăng trưởng 2 con số

Lạng Sơn: Phê duyệt mức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi ở huyện miền núi Bắc Trà My

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố Thanh Hóa sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Công điện hoả tốc ứng phó mưa lũ, học sinh được nghỉ học

Nước lũ dâng cao, tỉnh Quảng Ngãi di dời khẩn cấp người dân

Quảng Nam: Mưa lớn gây sạt lở làm sập tường ở điểm trường Răng Chuỗi huyện Nam Trà My

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử