Lãi suất ngân hàng liên tục giảm
Khan người vay, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất.
- Đồng loạt hạ lãi suất
Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng thương mại đã tiếp tục giảm từ 0,1-0,5%/năm, hiện mức lãi suất tiết kiệm cao nhất cho kỳ hạn 1 tháng chỉ còn từ 4- 5%/năm, kỳ hạn 6 tháng đứng ở mức 6%/năm và kỳ hạn dài (chủ yếu là 12 tháng) cũng chỉ dao động quanh mức 7-7,5%/năm.
Tại Ngân hàng BIDV Đà Nẵng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm còn 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng 5,75%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Chi nhánh Vietcombank Đà Nẵng huy động tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng với mức 4,8%/năm, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 3 đến 9 tháng cao nhất cũng chỉ 5,7%/năm. Tương tự, ngân hàng Viettinbank áp dụng lãi suất 5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng, 5,7 %/năm cho kỳ hạn 6 (hoặc 9 tháng) và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Trong xu thế hạ lãi suất của ngân hàng thương mại Nhà nước, các ngân hàng cổ phần trên địa bàn Đà Nẵng cũng giảm mạnh lãi suất huy động tiết kiệm từ dân cư. Ngân hàng ACB áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng là 5,3% (gửi dưới 200 triệu đồng), 5,5%/năm (gửi từ 200 triệu đồng trở lên), kỳ hạn 6 tháng với mức 6,1%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 6,9%/năm. Ngân hàng SHB huy động kỳ hạn 1 tháng với mức lãi suất 5,8%/năm, 6 tháng là 6%/năm và 12 tháng đứng mức 8%/năm.
Như vậy, so với “trần” lãi suất huy động 6%/năm của Ngân hàng Nhà nước(NHNN), các ngân hàng thương mại đã chủ động hạ sâu lãi suất huy động cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng để giảm bớt chi phí đầu vào trong điều kiện không tìm được đầu ra trên thị trường tín dụng.
“Đốt đuốc” tìm người vay
Trước áp lực của chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, một số ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng đã chạy quanh tìm kiếm khách hàng. Giám đốc của một ngân hàng than thở, do không tìm được đầu ra trong tín dụng nên hiệu quả kinh doanh của một số ngân hàng đang sụt giảm dần.
Và đây cũng là lý do vì sao, trong thời gian gần đây, ngân hàng đang khẩn trương triển khai các gói cho vay lãi suất ưu đãi nhằm “giải phóng” tiền thừa trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi suy giảm. Thế nhưng, trước những chính sách khuyến mãi, mời chào của các ngân hàng, một số khách hàng vẫn thờ ơ, không mặn mà, thậm chí có vài doanh nghiệp lắc đầu, ngao ngán: “Vay để làm gì ?”.
Một lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, trong dịp lễ 2-9 vừa qua, những ngân hàng nào còn có khách hàng đến biếu quà là hỏng. Ngược lại, các ông chủ nhà băng phải tranh thủ đến từng khách hàng để chăm sóc, gìn giữ mối quan hệ. Nói thế để thấy rằng, vị thế của người đi vay ngày càng được “nâng lên” rõ rệt trong bối cảnh tiền thừa trong ngân hàng vẫn chưa biết đầu tư vào đâu?
Và trong cuộc cạnh tranh tín dụng đầy khốc liệt đó, các ngân hàng cổ phần cũng đang “đốt đuốc” tìm dự án để cho vay. Ngân hàng SHB tập trung các dự án GTVT, các ngân hàng Quân đội, Sacombank, ACB cũng tăng tốc cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ... Hàng loạt các ngân hàng khác như SeABank, Maritime Bank bắt đầu triển khai rầm rộ chiêu khuyến mãi “cho vay lãi suất 0%”. Tuy nhiên, khảo sát một vài điểm giao dịch trên thị trường, lượng khách hàng đến vay vốn vẫn “nhỏ giọt”.
Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế gặp khó khăn, có nguy cơ giảm phát, tồn kho cao, sản xuất kinh doanh đình trệ thì khả năng hấp thụ vốn vay của các doanh nghiệp sẽ suy giảm mạnh.
Lãi suất sẽ tiếp tục giảm?
Trước thực trạng thừa tiền, các ngân hàng đang cân đối lại nguồn vốn, tính toán chi phí để tiếp tục điều chỉnh... giảm lãi suất huy động nhằm “cắt lỗ”. Trong một báo cáo được công bố mới đây, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cho biết, nhiều khả năng, trong thời gian tới, NHNN sẽ giảm lãi suất để kích cầu nếu lạm phát tiếp tục giảm. Theo đánh giá của HSBC, trong quá trình hồi phục kinh tế, Việt Nam đang đi trên làn đường tốc độ chậm. Do vậy, nếu trong tháng 9-2014, lạm phát vẫn ở dưới mức 4,5%, nhiều khả năng NHNN sẽ cắt giảm thêm lãi suất thị trường mở để kích cầu nội địa.
Đồng quan điểm, Cty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất huy động có thể giảm nhưng NHNN sẽ giữ nguyên trần huy động. Theo BVSC, thanh khoản dồi dào và lạm phát thấp là cơ sở để các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động nhằm cắt giảm chi phí. Trong khi đó, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất “thực dương” cho dù mức độ sinh lời của kênh tiết kiệm đã không còn được nhiều như trước nữa.
Nhận định về xu thế giảm lãi suất, TS Nguyễn Đức Thành – Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR - cho biết, trong bối cảnh nợ xấu ngày càng gia tăng, do không còn nguồn tài chính nào khác nên các ngân hàng phải tự trích lợi nhuận ra để bù lại số nợ xấu phát sinh. Điều này đòi hỏi các nhà băng phải hạ lãi suất huy động đến mức thấp nhất để tối đa hóa mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.
Với những nhận định nêu trên, xu hướng giảm lãi suất huy động trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra tại các ngân hàng lớn, có thanh khoản vững chắc. Trong khi đó, các ngân hàng có quy mô nhỏ, bấp bênh về thanh khoản có thể giữ nguyên lãi suất hiện nay để thu hút người gửi tiền.
Diễn biến này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng, đồng thời buộc người dân phải cân nhắc đến các yếu tố rủi ro khi quyết định chọn lựa các kỳ hạn cũng như nơi gửi tiền. Muốn có lãi suất tốt, người gửi tiền phải gửi kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Và đây cũng chính là cơ sở để ngân hàng có thể hạ lãi suất cho vay, kích hoạt nền kinh tế từ nay đến cuối năm.
Theo Công an TP. Đà Nẵng