Lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước giảm tốc độ bơm tiền
Ngân hàng Nhà nướccho biết, trong phiên chào thầu trên thị trường mở (OMO) diễn ra hôm nay (29/7) chỉ có 7 thành viên tham gia (giảm mạnh về số lượng thành viên tham gia so với các phiên trước).
Kết quả có 2/7 thành viên trúng thầu với tổng giá trị trúng thầu gần 1.000 tỷ đồng, lãi suất 4,3%/năm. So với các phiên đấu thầu liên tiếp gần đây, lãi suất trên thị trường OMO tiếp tục tăng song mức độ bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước đã giảm hẳn (4 phiên trước đó Ngân hàng Nhà nước bán ra 5.000 - 15.000 tỷ đồng mỗi phiên)
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm và lãi suất các kỳ hạn khác cũng hạ nhiệt rõ rệt. Trong phiên giao dịch hôm qua (28/7), lãi vay qua đêm trên thị trường ngân hàng chỉ còn 4,68%/năm, giảm đáng kể so với mức trên 5%/năm trước đó. Quy mô giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm so với phiên trước nhưng vẫn đạt trên 240.000 tỷ đồng tất cả kỳ hạn.
Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất trên thị trường OMO tăng khá nóng thời gian gần đây được cho là do tác động tâm lý của việc Fed tăng lãi suất cuối tháng 7/2022 của Fed cũng như thanh khoản hệ thống đã bớt dồi dào.
Trên thị trường 1 (thị trường dân cư), mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng liên tục tăng từ đầu năm đến nay với mức tăng 0,5-1% so với đầu năm. Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, hàng loạt ngân hàng cũng tăng lãi suất huy động. Ngay cả khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước cũng đã bắt đầu nhích nhẹ lãi suất. Hiện nay, ngoại trừ Vietinbank, từ tháng 6/2022 đến nay, BIDV, Agribank và Vietcombank đều đã nâng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1%/năm ở một số kỳ hạn.
Các chuyên gia phân tích tại VNDirect kỳ vọng, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm sẽ trở lại trong quý IV/2022 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại.
VNDirect dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng nhanh lãi suất cùng với áp lực lạm phát trong nước gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.