Kỳ vọng khôi phục sản xuất công nghiệp Đà Nẵng - Bài 1: Nhiều khó khăn
Sản xuất công nghiệp khó khăn, đơn hàng giảm, chi phí tăng
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố Đà Nẵng qúy I/2023 giảm, nhiều doanh nghiệp công nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều khó khăn về đơn hàng, sức tiêu thụ và chi phí sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp Đà Nẵng quý I/2023 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp công nghiệp gặp nhiều khó khăn |
Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp qúy I/2023 của thàng phố giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chủ lực là chế biến, chế tạo giảm gần 4,9%. Một số ngành có mức giảm sâu như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 29,2%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastics giảm 18,9%...
Là một doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng ngành cơ khí chế tạo, quý I/2023, đơn hàng của công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thịnh Lợi (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bị tụt giảm mạnh. “Doanh nghiệp cấp 1 hoạt động chững lại kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh cũng bị ảnh hưởng. Sản xuất quý I/2023 của chúng tôi thậm chí còn thấp hơn 3 năm diễn ra dịch Covid – 19”, ông Nguyễn Thành Minh – Phó Giám đốc Công ty chia sẻ.
Ông Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Khả Tâm (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cho biết là đơn vị cung ứng hệ thống làm lạnh cho các đơn vị bất động sản, xây dựng, doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi bất động sản “đứng bánh”, các công trình xây dựng chậm triển khai. “Thị trường đình trệ nên sức tiêu thụ trong quý I/2023 giảm khoảng 40 – 50% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, giá vật liệu đầu vào như sắt, nhôm, điện tăng. Khách hàng không có mà chi phí đầu vào tăng nên doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn”, ông Bình nói và thông tin thêm, do giảm sút đơn hàng nên cuối năm 2022 đầu năm 2023 doanh nghiệp đã sắp xếp và cắt giảm một phần nhân sự.
“Hiện công ty chúng tôi còn hơn 60 lao động, và đang duy trì việc làm tương đối để đảm bảo lao động có thu nhập cứng (không làm ngoài giờ, tăng ca nên không có thu nhập tăng thêm)”, ông Bình thông tin.
Theo ông Phạm Bắc Bình - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng, doanh nghiệp tại Đà Nẵng chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường nội địa, ít doanh nghiệp xuất khẩu. Quý I/2023, sức mua của thị trường nội địa giảm rõ rệt, một số ngành hàng giảm tới 30% kéo theo đầu ra của doanh nghiệp khối này khó khăn theo.
Bên cạnh đó, theo biến động tiêu cực của thế giới, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng cũng tạo một tầng áp lực cho doanh nghiệp. “Chi phí đầu vào tăng trong khi đơn hàng giảm. Doanh nghiệp đứng ở bài toán phải giữ được lao động trong khi công suất sản xuất thấp. Đây vừa là một lãng phí rất lớn vừa là khó khăn của doanh nghiệp”, ông Bình nói.
Ngoài sản xuất gặp khó, đơn hàng giảm, công ty Khả Tâm (Khu công nghiệp Hòa Khánh) còn chịu sức ép chi phí sản xuất khi phải thuê lại mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp |
Thiếu mặt bằng sản xuất
Thiếu mặt bằng để ổn định sản xuất là vấn đề không mới tại Đà Nẵng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện thành phố đang có hàng nghìn cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tồn tại trong các khu dân cư có nhu cầu muốn di dời và ổn định sản xuất nhưng không có mặt bằng.
Nhiều doanh nghiệp phải đi thuê lại đất trong khu công nghiệp đã được cấp cho doanh nghiệp khác với chi phí đắt đỏ.
Đại diện Công ty Khả Tâm cho biết nhiều năm nay đơn vị có đơn, công văn xin thuê đất để ổn định sản xuất nhưng vẫn chưa được. “Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang phải đi thuê lại đất sản xuất của doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Giá thuê cao và doanh nghiệp cũng không dám đầu tư quy mô bài bản. Chúng tôi muốn thuê đất ổn định để đầu tư và ổn định sản xuất. Doanh nghiệp cũng nằm trong chuỗi cung ứng, là đầu vào phục vụ cho công trình xây dựng, phòng cháy chữa cháy…”, ông Phạm Văn Bình nói.
Nhiều năm nay, Công ty Hương Quế (Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải thuê đất của những hộ dân lân cận để làm xưởng sản xuất cũng như là kho chứa sản phẩm. Dù sản xuất tăng trưởng liên tục nhưng vấn đề nhà xưởng, mặt bằng sản xuất lại là nút thắt lớn nhất “kéo chân” doanh nghiệp. “Chúng tôi rất mong chờ cụm công nghiệp Cẩm Lệ sẽ sớm đi vào hoạt động. Nếu được doanh nghiệp mong muốn sớm ổn định cơ sở để đầu tư mở rộng sản xuất”, Đại diện Công ty cho hay.
Tương tự, với định hướng mở rộng xuất khẩu nhưng thiếu mặt bằng, Công ty Mỹ Phương Foods (Hòa Vang, Đà Nẵng) đã thuê tạm khu đất bên cạnh để đầu tư sản xuất.
Được biết, hiện tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt gần 87%. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ khả năng về cả quy mô và vốn để đầu tư trong khu công nghiệp.
Thành phố cũng đã hoàn thành cơ bản hạ tầng Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ và có kế hoạch triển khai đầu tư một số khu cụm công nghiệp khác. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc về pháp lý nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có cụm công nghiệp nào tại Đà Nẵng đi vào họat động để giải quyết vấn đề mặt bằng cho doanh nghiệp.
Quý I/2023, tổng mức bán buôn hàng hóa tại TP. Đà Nẵng đạt khoảng 30.321 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ. Trong đó, giảm sâu nhất là nhóm ngành gỗ, vật liệu xây dựng giảm 39,4%, phương tiện đi lại (trừ ô tô, phụ tùng) giảm 36,5%,… Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 661,4 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 427,3 triệu USD, giảm 10,4%; nhập khẩu ước đạt 234,1 triệu USD, giảm 26,3%. |