Chủ nhật 22/12/2024 15:38

Kỳ vọng của quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

Chính sách bảo hiểm tiền gửi là sự kỳ vọng của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đối với bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một định chế tài chính không thể thiếu trong quá trình phát triển an toàn và bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Ngay từ khi thành lập đến nay, Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò và sứ mệnh của mình nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy của công chúng đối với các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Khi người gửi tiền có thông tin đầy đủ và niềm tin vững chắc sẽ yên tâm gửi tiền tiết kiệm, tạo thuận lợi cho hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh và an toàn, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Đến nay, sau 25 năm xây dựng và phát triển, BHTG Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 123 triệu lượt người gửi tiền tại 1.278 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (trong đó có 1.177 quỹ tín dụng nhân dân) thông qua việc triển khai các nghiệp vụ như: Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo hiểm tiền gửi; tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém; tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Chính phủ; chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người tiền theo quy định; quản lý, thu phí bảo hiểm tiền gửi; đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để nâng cao năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi để củng cố niềm tin người gửi tiền…

Đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả bảo hiểm tiền gửi kịp thời, đúng quy định cho 1.793 người gửi tiền tại 39 qũy tín dụng nhân dân bị giải thể ; qua đó góp phần tạo lập niềm tin của người dân, ổn định trật tự xã hội tại địa phương và ngăn ngừa rủi ro tiềm ẩn lan truyền đến các qũy tín dụng nhân dân hoạt động lành mạnh khác.

Không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam còn tham gia hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như: Tham gia đề án tái cơ cấu qũy tín dụng nhân dân; cử nhân sự khi được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu để đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị; Trưởng Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương đối với các qũy tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt theo đề nghị của một số Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố… Sau một thời gian, việc tái cơ cấu đã mang lại kết quả tích cực, đã góp phần đưa được một số quỹ tín dụng nhân dân yếu kém khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Đặc biệt, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam còn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ triển khai công tác kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân theo kế hoạch định kỳ hàng năm của NHNN; qua đó tham mưu, đề xuất Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giúp các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.

Với những quy định hiện nay, bảo hiểm tiền gửi vẫn còn bị hạn chế một số mặt như: (i) Việc thu phí bảo hiểm vẫn được tính đồng hạng trên cơ sở tính phí bảo hiểm tiền gửi là toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, chưa tính theo mức độ rủi ro của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; (ii) Hiện nay, bảo hiểm tiền gửi mới chỉ thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản… Tuy nhiên, BHTG chưa được thực hiện việc cho vay đặc biệt để hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi gặp khó khăn.

Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được niêm yết tại điểm giao dịch của Quỹ tín dụng nhân dân

Ghi nhận cùng những thành tựu trên, thực tiễn hoạt động hiện nay của các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng cũng đang đặt ra những vấn đề cần được bảo hiểm tiền gửi nhìn nhận với tầm nhìn dài hơn trong bối cảnh kinh tế - xã hội đã không ngừng được nâng cao về mọi mặt; quy mô hoạt động của các tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ hơn trước rất nhiều, hành trình chuyển số đã phát triển rất mạnh và thâm nhập sâu vào các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là ngành Ngân hàng. Trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, hệ thống qũy tín dụng nhân dân mong đợi sự đổi mới của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trên một số nội dung sau:

Một là, về mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đối với qũy tín dụng nhân dân: tại Khoản 3 Điều 188 Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 đã quy định :“Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với qũy tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã xây dựng phương án phá sản qũy tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệtvà đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại qũy tín dụng nhân dân.”

Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi Luật bảo hiểm tiền gửi để có thể đáp ứng được việc chi trả bảo hiểm tiền gửi với hạn mức tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại qũy tín dụng nhân dân trong trường hợp được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã nêu trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Hai là, về thực hiện nghĩa vụ chỉ trả bảo hiểm tiền gửi: theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 thì “Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt… hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.”

Hướng sửa Luật bảo hiểm tiền gửi nên bổ sung thêm các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (trong đó có qũy tín dụng nhân dân) cũng được BHTG Việt Nam thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm khi được NHNN có văn bản xác định là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Bổ sung thêm để bảo hiểm tiền gửi được cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, Ngân hàng hợp tác xã, qũy tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô (như quy định tại Khoản 2 Điều 191 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024).

Ba là, bảo hiểm tiền gửi tham gia tái cơ cấu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém: Tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến 2030” đã nêu rõ: “Tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tham gia tái cơ cấu các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.” Do vậy, không chỉ tham gia vào đề án tái cơ cấu của tổ chức tín dụng yếu kém, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần nghiên cứu hình thành nguồn vốn cho vay đặc biệt từ việc trích lập một phần từ nguồn thu hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của bảo hiểm tiền gửi để có nguồn lực tham gia quá trình tái cơ cấu các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém khi được Chính phủ và Nhà nước Việt Nam Ngân hàng Nhà nước NHNN yêu cầu.

Bốn là, về nộp phí bảo hiểm tiền gửi: Về nguyên tắc, mức phí bảo hiểm tiền gửi phải thể hiện rõ được trách nhiệm của tổ chức tham gia đối với người gửi tiền. Hiện nay, cơ sở tính phí bảo hiểm tiền gửi là toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Điều này chưa bảo đảm tính công bằng giữa các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong khi đó, quỹ bảo đảm an toàn hệ thống qũy tín dụng nhân dân (Quỹ bảo toàn) đã được thành lập theo quy định của Nhà nước để cho vay qũy tín dụng nhân dân gặp khó khăn về tài chính, khó khăn chi trả nhằm giúp qũy tín dụng nhân dân có thể khắc phục trở lại hoạt động bình thường. Như vậy, trước khi phải nhờ đến sự hỗ trợ của bảo hiểm tiền gửi, hệ thống qũy tín dụng nhân dân đã có sẵn một hệ thống phòng thủ nhằm ngăn ngừa rủi ro để bảo vệ tiền gửi của thành viên và người dân gửi tiền tại qũy tín dụng nhân dân. Do vậy, cần xem xét áp dụng mức thu phí phù hợp hơn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã có hệ thống phòng ngừa rủi ro là Quỹ bảo toàn của hệ thống qũy tín dụng nhân dân. Điều này sẽ giúp giảm bớt khó khăn tài chính khi qũy tín dụng nhân dân phải vừa nộp phí bảo hiểm tiền gửi, vừa nộp phí quỹ bảo toàn. Với chính sách như vậy sẽ tạo cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có ý thức hơn để tự bảo vệ mình trước những rủi ro có liên quan đến hoạt động.

Năm là, về cảnh báo sớm và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có nhiều thuận lợi trong tiếp nhận thông tin từ cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi để phân tích diễn biến thực tế hoạt động ngân hàng và những nguy cơ tiềm ẩn, từ đó thường xuyên có văn bản khuyến nghị, cảnh báo sớm để các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có biện pháp phòng tránh rủi ro kịp thời. Mặt khác, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông để nâng cao sự hiểu biết về chính sách bảo hiểm tiền gửi đối với người gửi tiền.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc hoàn thiện môi trường pháp lý và đổi mới về mô hình bảo hiểm tiền gửi sẽ thúc đẩy bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; đồng thời, tạo môi trường tích cực cho sự phát triển bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nguyễn Đức Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam
Bài viết cùng chủ đề: Tài chính ngân hàng

Tin cùng chuyên mục

F88 cung cấp dịch vụ ngân hàng sau ký kết hợp tác chiến lược với MB

VietinBank mở rộng thanh toán xuyên biên giới sang Lào

Bac A Bank ra mắt giao diện mới của ứng dụng ngân hàng điện tử

Phó Thủ tướng: Ngành ngân hàng triển khai hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên tinh thần ‘cả hai cùng thắng’

Ngành ngân hàng tập trung tái cơ cấu trong năm 2025

Nam A Bank lọt top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2024

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Sẽ có 5 ngân hàng được nới room tín dụng?

VietinBank được vinh danh trong Top 50 Doanh nghiệp niêm yết thực hành quản trị công ty tốt nhất

Không giới hạn số lần cơ cấu lại nợ cho khách hàng ảnh hưởng bởi cơn bão số 3

Tân Tổng Giám đốc 8X của PGBank là ai?

Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất trong năm 2025?

Ngân hàng Techcombank tham gia vào kỷ nguyên đầu tư mới

Khi giới trẻ được học cách làm chủ tài chính

Techcombank lập 'hat-trick' giải thưởng quốc tế với giải pháp quản trị nguồn vốn C-Cash

Đã có bao nhiêu ngân hàng công bố khung trái phiếu xanh?

Techcombank đồng hành cùng Bloomberg Business Week Vietnam tổ chức 'Vietnam Investment Summit 2024'

Ba ngân hàng quốc doanh chuẩn bị chi trả cổ tức ‘khủng’

Hơn 3.000 điểm bán của Thế Giới Di Động trở thành đại lý thanh toán của VPBank

Lượng tiền gửi vào ngân hàng tiếp tục đạt kỷ lục mới