Thứ năm 26/12/2024 03:23

Kỹ thuật chia gan lần đầu tiên tại Việt Nam, cứu sống 2 sinh mạng

Ca chia gan để ghép đã cứu được người đàn ông và trẻ em. Đây là kỹ thuật lần đầu được thực hiện ở Việt Nam, tạo bước tiến quan trọng trong kỹ thuật ghép gan.

Như Báo Công Thương đã thông tin, chiều 26/8, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin ca ghép tạng của bệnh viện.

Tại buổi họp báo, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, cho biết các bác sĩ bệnh viện vừa chia một lá gan để ghép cho hai người bệnh.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh vừa chia một lá gan để ghép cho hai người bệnh. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Trước đó, vào ngày 22/8, đơn vị nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về một trường hợp người bệnh bị tai nạn giao thông, được chẩn đoán chết não theo quy trình của hội đồng thẩm định. Người bệnh này khi còn sống có nguyện vọng hiến tạng và gia đình đã tôn trọng điều này.

Ngay lập tức, bệnh viện đã tiến hành rà soát và phát hiện có hai người bệnh phù hợp đang chờ ghép gan. Trường hợp đầu tiên là một người đàn ông 53 tuổi bị ung thư gan và xơ gan nặng do viêm gan B, đã tìm kiếm cơ hội ghép gan từ lâu nhưng không ai trong gia đình phù hợp, do khác nhóm máu và mắc bệnh viêm gan B tiềm ẩn. Người bệnh thứ hai là bé gái 1 tuổi ở Sóc Trăng, bị xơ gan ứ mật nguyên phát, đã nhiều lần nôn ra máu do biến chứng và đang trong tình trạng nguy kịch.

Ý thức được sự quý giá của lá gan từ người hiến tạng, đội ngũ y bác sĩ đã nghĩ đến giải pháp chia gan để ghép, nhằm cứu sống cả hai người bệnh. Lá gan bao gồm hai phần (phải và trái), với cấu trúc mạch máu và ống mật riêng biệt nhưng kết nối với nhau.

Mặc dù khá phức tạp, nhưng với sự tính toán và phẫu thuật khéo léo, các bác sĩ có thể tách gan thành hai mảnh ghép riêng biệt.

Mảnh lớn hơn sẽ dành cho người bệnh nam lớn tuổi và mảnh nhỏ dành cho bé gái nặng 7,2 kg. Khoa học đã chứng minh rằng các mảnh ghép này sẽ phát triển và lớn lên cùng cơ thể người nhận, giúp họ có một cuộc sống mới.

Sau khi kế hoạch phẫu thuật được hội chẩn và thống nhất, các người bệnh ngay lập tức được báo tin và khẩn trương chuẩn bị. Sau lễ mặc niệm tri ân, ca mổ lấy tạng được tiến hành, với lá gan được tách đôi trên mâm phẫu thuật. Đây cũng là kỹ thuật lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam.

Mục tiêu của các bác sĩ là phải đảm bảo các mạch máu và ống mật của hai mảnh ghép thật tốt, phù hợp với người nhận tạng, để việc ghép sau đó diễn ra thuận lợi. Đồng thời, các ekip khác tiến hành phẫu thuật cắt bỏ gan bệnh ở hai người nhận.

Quá trình ghép tạng được thực hiện một cách đồng bộ và chính xác. Mảnh gan ghép khi được tái tưới máu đã nhanh chóng hồi phục chức năng và bắt đầu tiết ra những giọt mật đầu tiên, biểu hiện của sự sống trở lại trong cơ thể hai người bệnh.

Đến ngày hôm sau, cả hai đều tỉnh táo, dần hồi phục và bắt đầu cuộc sống mới với một phần gan của người hiến tạng.

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thành công của ca chia gan lần này không chỉ là một bước tiến quan trọng trong kỹ thuật ghép gan tại Việt Nam, mà còn là biểu hiện của sự tận tâm, trách nhiệm và chuyên nghiệp của toàn bộ đội ngũ y bác sĩ.

Ông gửi lời cảm ơn chân thành Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy đã giúp đỡ, tạo điều kiện để hai ca ghép này thành công, cũng như chúc mừng hai người bệnh đã nhận được cơ hội sống mới.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long cũng chia sẻ, chia gan để ghép cho hai người bệnh là một kỹ thuật khó, đòi hỏi đội ngũ nhân viên y tế phải có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật cao.

Thành công của ca chia gan lần này không chỉ giúp cứu mạng hai người bệnh mà còn góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm tạng ghép hiện nay. Vị bác sĩ này mong trong tương lai ngày càng có nhiều người hiểu rõ giá trị của việc hiến tạng cứu người.

Tấn Hiệp
Bài viết cùng chủ đề: ung thư

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế thông tin mới nhất về 'số phận' Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2

Bệnh Zona: Tác nhân làm tăng biến cố tim mạch và đột quỵ

Dòng sữa thanh trùng ít đường mới của Mộc Châu Milk được người tiêu dùng yêu thích

Bàn giải pháp giải quyết thách thức trong quản lý sức khỏe hô hấp

Phó Thủ tướng yêu cầu dành mọi ưu tiên cứu chữa người bị thương vụ cháy quán cà phê tại Hà Nội

400 người dân tại Hưng Yên được khám, tư vấn bệnh hô hấp và sàng lọc ung thư phổi miễn phí

80 người tử vong vì bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo khẩn

Bệnh nhân được trả góp viện phí tại Bệnh viện FV

Bộ Y tế thông tin mới nhất về bệnh lạ ở Congo khiến nhiều người tử vong

Châu Á chiếm đến 58% số ca tử vong do ung thư trên toàn cầu

Dược phẩm Thái Minh ra mắt nhận diện thương hiệu và bao bì sản phẩm mới

Bước tiến mới trong chăm sóc nhãn khoa tại Hải Phòng

Trí tuệ nhân tạo trở thành trợ thủ đắc lực trong khám chữa bệnh

Công bố khảo sát về tỷ lệ người hút thuốc lá ở các tỉnh, thành

Vụ hơn 300 người bị ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu: Chủ cơ sở bị phạt 125 triệu đồng

Việt Nam có khoảng 200.000 ca sốt xuất huyết mỗi năm

Bộ Công Thương triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024

Nhiều năm liên tiếp, doanh nghiệp sữa Cô Gái Hà Lan nhận giải thưởng Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam

Thanh lọc cơ thể để tươi mát tận hưởng không khí cuối năm bất chấp công việc bộn bề

Vụ ngộ độc nghi do ăn bánh mì ở TP. Vũng Tàu: Mẫu thức ăn có vi khuẩn Salmonella, E.coli