Những phương pháp tiên tiến, sự kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ đã tạo nên những kỳ tích đầy cảm xúc trong cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm nghèo, ung thư hạ họng thanh quản.
Cuộc phẫu thuật ung thư hạ họng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Nam Thái) |
Theo bác sĩ Lý Xuân Quang - Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Ung thư hạ họng thanh quản có những yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này thường là những thói quen tưởng chừng vô hại trong đời sống hàng ngày. Trong số đó, việc lạm dụng rượu bia và thuốc lá là hai yếu tố hàng đầu, đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu khoa học. Đồng thời những nghiên cứu gần đây cũng đã ghi nhận virút HPV và bệnh lý trào ngược họng thanh quản cũng là những tác nhân gây bệnh, âm thầm làm thay đổi mô hình bệnh tật và dẫn đến ung thư hạ họng thanh quản ở độ tuổi trẻ hơn”.
Bác sĩ Lý Xuân Quang cho rằng, môi trường sống và điều kiện làm việc cũng góp phần tạo ra những yếu tố nguy cơ khác như khí thải công nghiệp và bụi gỗ,… Những độc tố này không chỉ tác động trực tiếp lên hệ hô hấp mà còn là nguyên nhân gây ra những tổn thương lâu dài, góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Trong điều trị ung thư hạ họng thanh quản, việc chẩn đoán sớm chính là chìa khóa giúp người bệnh được điều trị sớm mang lại kết quả tốt hơn.
Đặc biệt, kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp (NBI - Narrowband Imaging) đã trở thành công cụ đắc lực trong việc phát hiện những tổn thương niêm mạc nhỏ mà mắt thường khó có thể nhận biết. Đây không chỉ là một bước tiến lớn trong chẩn đoán sớm ung thư hạ họng thanh quản, mà còn là cánh cửa mở ra hy vọng cho những người bệnh được điều trị sớm hơn.
Để chẩn đoán xác định ung thư hạ họng thanh quản thì tất cả các trường hợp nghi ngờ đều được xác nhận qua kết quả giải phẫu bệnh từ mẫu sinh thiết u, đảm bảo tính chính xác cao nhất trong chẩn đoán. Việc này không chỉ giúp xác định chính xác bản chất khối u mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra phác đồ điều trị tối ưu.
Ngoài ra, những kỹ thuật hình ảnh chuyên sâu như CT-Scan và MRI giúp xác định giai đoạn bệnh như mức độ xâm lấn của khối u, hạch di căn và cung cấp thông tin cần thiết để lập kế hoạch điều trị phù hợp. Đối với những trường hợp có hạch di căn nhưng không rõ nguồn gốc, PET-CT scan đã chứng tỏ hiệu quả vượt trội trong việc truy tìm ổ nguyên phát, giúp đưa ra những quyết định điều trị chính xác và kịp thời.
“Điều trị ung thư hạ họng thanh quản là điều trị đa mô thức và toàn diện cho người bệnh. Hiện tại ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, việc điều trị ung thư hạ họng thanh quản không chỉ là sự kết hợp của các phương pháp điều trị tiên tiến mà còn là sự tinh tế trong cách tiếp cận và chăm sóc người bệnh. Với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả điều trị và bảo tồn chức năng thanh quản, các bác sĩ tại đây đã triển khai nhiều phương pháp phẫu thuật và phối hợp hoá xạ trị trong trường hợp cần thiết”, bác sĩ Lý Xuân Quang chia sẻ.
Theo bác sĩ Lý Xuân Quang, đối với những người bệnh ở giai đoạn sớm, xạ trị hoặc phẫu thuật nội soi qua đường miệng đã trở thành những lựa chọn ưu tiên. Kỹ thuật này không chỉ giúp loại bỏ khối u một cách triệt để mà còn bảo tồn tối đa các chức năng quan trọng của thanh quản, mang lại sự phục hồi nhanh chóng và chất lượng cuộc sống cao cho người bệnh.
Trong những trường hợp bệnh tiến triển, phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần hoặc hóa-xạ trị đồng thời là những phương pháp cân nhắc lựa chọn, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Việc lựa chọn phương thức điều trị sẽ được thảo luận qua ý kiến hội chẩn các bác sĩ điều trị liên chuyên khoa, dựa trên mong muốn bảo tồn chức năng thanh quản của người bệnh và mức độ lan rộng u trong từng trường hợp cụ thể.
Việc ứng dụng liệu pháp miễn dịch cũng giúp nâng cao hiệu quả và cải thiện dự hậu của người bệnh trong trường hợp bệnh tiến triển xa. Đây là những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp các giải pháp toàn diện, đảm bảo không chỉ kéo dài tuổi thọ mà còn duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bệnh.
Theo chia sẻ của đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, một trong những câu chuyện đặc biệt nhất là trường hợp của một người bệnh nam, có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Người đàn ông nhập viện trong tình trạng khàn tiếng kéo dài một tháng, triệu chứng tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là dấu hiệu của một căn bệnh ung thư. Qua nội soi và sinh thiết, người đàn ông được chẩn đoán mắc ung thư tế bào gai sừng hóa, giai đoạn I. Với sự phối hợp chặt chẽ của ekip phẫu thuật, người đàn ông đã được phẫu thuật cắt dây thanh qua nội soi đường miệng. Ca phẫu thuật diễn ra thành công ngoài mong đợi, người bệnh hồi phục nhanh chóng và xuất viện chỉ sau một ngày. Đặc biệt, sau hai năm theo dõi, người đàn ông không có dấu hiệu tái phát, minh chứng cho hiệu quả tuyệt vời của việc chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Phẫu thuật bằng robot qua đường miệng, xạ trị điều biến liều và liệu pháp miễn dịch là những kỹ thuật tiên tiến đang phổ biến trên thế giới và đang dần được triển khai tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, giúp bảo tồn tối đa chức năng thanh quản và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Những kỹ thuật này không chỉ tăng cường hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu những biến chứng sau phẫu thuật, mang lại niềm tin và hy vọng mới cho người bệnh và gia đình.
Trong tương lai, với sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, nhiều bệnh viện sẽ tiếp tục cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật mới, mang lại những bước tiến dài hơn nữa trong cuộc chiến chống lại ung thư hạ họng thanh quản, giúp bảo vệ sức khỏe và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người bệnh.