Kỷ luật và đồng tâm - Sức mạnh nội sinh của ngành than, công nhân vùng mỏ
Trải qua 87 năm xây dựng và phát triển, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ngành than nói chung và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nói riêng đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành năng lượng cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Truyền thống vẻ vang
Quảng Ninh - nơi chiếm tới 95% trữ lượng than của cả nước, cũng là "cái nôi" phong trào cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam, với khẩu hiệu "Kỷ luật và đồng tâm", đã giành thắng lợi trong cuộc tổng bãi công nawm 1936. "Kỷ luật và đồng tâm" cũng đã trở thành "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của các đơn vị ngành than. Từ trong những buổi đầu sơ khai gian khó, lớp lớp thế hệ thợ mỏ đã góp công kiến thiết, xây dựng những công trường khai thác than, đưa những cỗ máy xuống sâu trong lòng đất để sản xuất từng tấn "vàng đen" cho Tổ quốc đúng như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” và phải đoàn kết, nỗ lực đưa ngành than trở thành ngành kinh tế “gương mẫu”.
Theo ông Trần Bảo Ngọc - nguyên Giám đốc mỏ than Mạo Khê, những năm đầu thập niên 60 là những tháng ngày khó khăn, gian khổ của thời kỳ đầu kiến thiết mỏ. Thời điểm đó, Mạo Khê là một mỏ hầm lò lớn, có tới 7.000 người - khu vực công nghiệp độc lập, tự lực, tự cường, có nhiều ngành nghề ngoài than. Thời kỳ đầu tái lập và kiến thiết xây dựng mỏ vô cùng gian khổ, thiếu thốn trăm bề, gạo không đủ ăn, gỗ không đủ chống lò, vòng bi để lắp vào goòng chở than cũng thiếu. Trong khi đó, sự đầu tư của nhà nước cho Mạo Khê dần thu hẹp. Trang thiết bị cung cấp cho mỏ cũng hạn chế dần. Khó là vậy, nhưng đội ngũ lãnh đạo mỏ đã củng cố, khơi dậy tinh thần đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm trong công nhân mỏ, khắc phục gian khổ, đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo để bám trụ cùng mỏ.
Công nhân than vào ca (Ảnh TKV) |
Kể từ khi thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (năm 1994) - tiền thân của TKV ngày nay, TKV đã đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành than bền vững để đáp ứng nhu cầu than trong nước ngày càng tăng cao, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu như năm 1995, sản lượng than toàn ngành mới chỉ ở mức 7 triệu tấn thì đến nay, sản lượng than sản xuất bình quân hàng năm của TKV đạt khoảng 45 triệu tấn. TKV cũng đã khai thác và tiêu thụ trên 700 triệu tấn than; thực hiện đào trên 5 nghìn km đường lò, gấp 3 lần chiều dài đất nước Việt Nam, bình quân đào 206 km/năm và bóc xúc 3,4 tỷ m3 đất đá, bình quân 128 triệu m3/năm. Tổng doanh thu than từ 1,3 nghìn tỷ đồng năm 1994 tăng lên 168.500 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần so với thời điểm Tổng công ty Than Việt Nam ra đời. TKV đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.
Sự nghiệp sản xuất than cho Tổ quốc chưa khi nào hết khó khăn, thử thách về điều kiện địa chất, địa tầng, thiên tai và cơ chế thị trường. Song, dù thử thách lớn đến mấy, bằng tinh thần tự lực, tự cường, những người lãnh đạo, thợ mỏ ngành than vẫn đang đồng tâm tiến về phía trước bằng những dự án xuống sâu, nâng công suất khai thác và gia tăng tuổi thọ mỏ.
Với các mỏ hầm lò, TKV tăng cường sử dụng công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than cùng các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350m và - 500m, thậm chí âm hơn 1.000 m. Cùng với đó, cơ giới hóa, tự động hóa cũng được đẩy mạnh áp dụng vào các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ, thoát nước trong hầm lò.
TKV đã chủ động ứng dụng tự động hóa, tin học hóa, chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý điều hành. Từ cơ quan TKV đến các đơn vị đều đã quan tâm đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.
Hệ thống máy đánh đống, bốc, rót của Công ty tuyển than Cửa Ông |
Mục tiêu chiến lược trở thành tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh
Trong giai đoạn 2018 - 2022, tổng số nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn lũy kế đạt gần 97.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm gần 19.400 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2022, TKV nộp ngân sách hơn 21.500 tỷ đồng, tăng 31,5% so năm 2018 (hơn 5.000 tỷ đồng). Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, ngành than đóng góp khoảng 1/4 GRDP và gần 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh; tạo ra việc làm thường xuyên cho gần 100 nghìn lao động; tác động trực tiếp đến gần 1/3 dân số và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2023, TKV đã sản xuất 28,68 triệu tấn than nguyên khai, than tiêu thụ đạt 36,09 triệu tấn; trong đó, than tiêu thụ cho các hộ điện đạt 30,02 triệu tấn, bằng 114 % so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 3,6 triệu tấn. Doanh thu toàn Tập đoàn trong 9 tháng đầu năm ước đạt 127.020 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 23.440 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 15,8 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh việc cung cấp than cho nền kinh tế, TKV luôn đảm bảo ổn định việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động và có các chế độ phúc lợi mang tính chất đặc thù, mang bản sắc riêng của ngành để chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động với thu nhập ngày càng tăng lên. Đồng thời, cùng chung tay với các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp khác thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên cả nước.
Nhờ những thành tích đạt được, TKV và các đơn vị thành viên đã vinh dự nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như Huân chương Sao Vàng, danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập các hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều danh hiệu khác... Đứng trước yêu cầu của sản xuất và những thách thức của thị trường, TKV sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện mô hình - tổ chức sản xuất, tập trung công tác xin cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác các mỏ than theo quy hoạch; chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến và nhu cầu của thị trường, đảm bảo sản xuất kinh, doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng các giải pháp tiết kiệm chi phí, quản lý tài chính chặt chẽ, đúng quy định, thực hiện chuyển đổi số; tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; chăm lo phát triển nguồn nhân lực và tái cơ cấu lực lượng lao động; chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội đối với người lao động và tại các địa phương. TKV đặt mục tiêu chiến lược trở thành một tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có thương hiệu và sức cạnh tranh trong khu vực; cơ cấu sản xuất, kinh doanh hợp lý; tập trung vào sản xuất than và các lĩnh vực khác, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy các ngành kinh tế đất nước cùng phát triển.