Kỳ họp Uỷ ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học Việt Nam-Hàn Quốc
Sáng 28/10, tại Hà Nội, Kỳ họp Uỷ ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 19 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đồng chủ trì. Tham sự kỳ họp có đại diện Bộ Công Thương; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính…
Mục tiêu của kỳ họp nhằm rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực từ Kỳ họp lần thứ 18 tới nay, đồng thời đề ra phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Cụ thể, hai bên đã trao đổi về tình hình và giải pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại; đầu tư; hợp tác phát triển; lao động-xã hội;…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, ở tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, năm 2022 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc, sau 30 năm, hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực đều có sự phát triển vượt bậc, đem lại lợi ích và hiểu biết tin cậy, sâu sắc lẫn nhau cho cả hai phía.
Về thương mại, phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Kiên – Phó trưởng Phòng Đông bắc Á và Nam Thái bình Dương – Vụ thị trưởng châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Năm 2021 Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch song phương năm 2021 đạt 78 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2020. Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
9 tháng đầu năm 2022 theo báo cáo của đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc đạt 66,8 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng này thì hai bên có khả năng hoàn thành mục tiêu kim ngạch 100 tỷ USD vào năm 2023 như lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra.
Thông tin tại kỳ họp cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục yêu cầu phía Hàn Quốc tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Đề nghị Hàn Quốc hợp tác để nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2023 lên 100 tỷ USD, năm 2050 đạt 150 tỷ USD theo hướng cân bằng.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Tính đến tháng 9/2022, Hàn Quốc đã có khoảng 9.438 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 80,5 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Yun Eeong Deok cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của một số doanh nghiệp Hàn Quốc trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, đề nghị phía Việt Nam tháo gỡ, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tăng trưởng thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt được nhiều tiến bộ tích cực |
Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đang dần hồi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Không chỉ các dự án đầu tư mới mà các dự án đầu tư hiện hữu cũng vô cùng quan trọng với Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam như: Công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao…
Về viện trợ phát triển chính thức, ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối Ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam tiếp tục là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển (nhận khoảng 20% tổng viện trợ của Hàn Quốc). Gần đây, tổng viện trợ của Hàn Quốc dành cho Việt Nam hàng năm đạt hơn 500 triệu USD, trong đó 90% là vốn ODA và 10% là vốn viện trợ không hoàn lại.
Hợp tác phát triển Việt Nam-Hàn Quốc ưu tiên cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, đô thị; y tế, giáo dục, đào tạo; môi trường; năng lượng sạch; công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 2016-2020, những nguyên tắc, định hướng chung trong hợp tác phát triển của Hàn Quốc với Việt Nam được thể hiện trong Chiến lược đối tác phát triển (CPS) với Việt Nam, với ưu tiên dành cho quản lý nhà nước, giáo dục, y tế, giao thông.
Ngoài ODA, Hàn Quốc còn sẵn sàng cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi qua khuôn khổ hợp tác tài chính để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Hàn Quốc cung cấp ODA và vốn vay ưu đãi dành cho Việt Nam nới lỏng thêm điều kiện đấu thầu các dự án, hướng viện trợ của Hàn Quốc vào những lĩnh vực dự án ưu tiên cao của Việt Nam và cùng phía Hàn Quốc bàn bạc, chuẩn bị cho Hiệp định tín dụng khung về vốn vay ODA giai đoạn 2014-2028…
Về lĩnh vực hợp tác lao động, hiện có hơn 37.000 lao động đi theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc trong 4 ngành chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất trong hợp tác về lĩnh vực lao động giữa hai nước là, người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Thời gian gần đây, với những nỗ lực của cả hai bên, bằng nhiều biện pháp, tỷ lệ lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm dần.
Ngoài các lĩnh vực trên, Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban Liên chính phủ Việt Nam – Hàn Quốc cũng phối hợp giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, hạ tầng giao thông, xây dựng, tài chính – ngân hàng… Thời gian tới, hai bên cho biết sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, nâng cao năng lực. Theo đó, kinh nghiệm, năng lực của Hàn Quốc là thế mạnh mà Việt Nam cần tích cực khai thác. |