Thứ bảy 23/11/2024 14:15
Nỗi thất vọng từ nhiều đại dự án thủy nông ở Tây Nguyên

Kỳ 3: Kho nước lớn nhất Tây Nguyên thiếu… vùng tưới

Hồ thủy lợi Ia Mơr, ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có khoảng 180 triệu m3. Đây được xem là kho nước lớn nhất Tây Nguyên.

Hồ thủy lợi Ia Mơr, ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có khoảng 180 triệu m3. Đây được xem là kho nước lớn nhất Tây Nguyên nhưng nhiều năm qua chưa hoạt động hết công suất vì vùng tưới là 4.700ha đất rừng đang tái sinh mạnh mẽ, chưa được chuyển đổi thành đất nông nghiệp.

Hiện còn hơn 4.757ha rừng thuộc vùng tưới hồ Ia Mơr (nằm trong phạm vi diện tích 4.898ha đất tự nhiên vùng dự án) chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thành vùng sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Chí Dũng

Dự án 3.000 tỉ đồng “đếm sai cua trong lỗ”

Dự án hồ thủy lợi Ia Mơr được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thônphê duyệt vào tháng 10/2005, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư các giai đoạn lên tới 3.000 tỉ đồng. Công trình thủy lợi Ia Mơr có khoảng 2.800ha diện tích mặt nước, dung tích chứa khoảng 180 triệu m3.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho hơn 12.500ha của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk; đồng thời cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân khu vực quanh hồ chứa và đường kênh. Ngoài ra, công trình còn giúp bảo đảm môi trường và kết hợp giảm lũ hạ du, phát điện, nuôi trồng thủy sản, du lịch…

Đến nay, Dự án Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bảo đảm đủ năng lực cấp nước tưới cho 14.347ha. Khu tưới thực tế đã hình thành, người dân đang sản xuất nông nghiệp khoảng 9.449ha (đạt 66%). Như vậy, dự án hồ thủy lợi 3.000 tỉ đồng này đã cầm đèn chạy trước ô tô vì chưa có vùng tưới (còn khoảng 34% trữ lượng nước chưa được khai thác, sử dụng).

Để bảo đảm dự án đi vào hoạt động hiệu quả thì phải chuyển đổi hơn 4.757ha rừng thuộc vùng tưới hồ Ia Mơr (nằm trong phạm vi diện tích 4.898ha đất tự nhiên vùng dự án) thành vùng sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng oái ăm thay, trong quá trình chờ cơ quan chức năng chuyển đổi thành đất nông nghiệp, hơn 4.700ha rừng tại đây bắt đầu tái sinh xanh tốt và hình thành vùng sinh thái lâm sinh mới. Nhiều khu vực cây rừng đã lớn, có đường kính từ 20-50cm.

Công trình Hồ thủy thủy lợi Ia Mơr có khoảng 2.800ha diện tích mặt nước, dung tích chứa khoảng 180 triệu m3 nước nhưng chưa phục vụ hết công suất vì thiếu vùng tưới. Ảnh: Chí Dũng

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, phần lớn diện tích rừng và đất rừng đang đề nghị quy hoạch thành vùng tưới cho Hồ thủy lợi Ia Mơr là hơn 4.700ha, nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Ia Mơr.

Cụ thể, vị trí rừng và đất rừng chờ chuyển đổi mục đích sử dụng nằm dọc hai bên bờ kênh (đoạn từ cầu kênh số 1 đến cầu kênh số 2) thuộc hệ thống kênh dẫn nước về xã Ia Lốp, tỉnh Đắk Lắk. Trong lúc chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định, chính quyền địa phương xã Ia Mơ đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác, quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt cho 4.757ha rừng không để người dân xâm chiếm.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội. Việc rừng tái sinh phát triển, giữ độ che phủ của rừng, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn sẽ ủng hộ, bảo vệ.

Hiện tại trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020-2025 chưa có vốn bố trí cho việc thiết kế vùng tưới bao gồm: Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, kênh dẫn, khai hoang đồng ruộng, nơi cư trú cho người dân bản địa….

Nếu chuyển đổi 4.700ha đất có rừng sang đất nông nghiệp thì cũng cần đến… 6.000 tỉ đồng để tiếp tục công cuộc thiết kế vùng tưới. Đây là số tiền lớn cần phải được Quốc hội thông qua.

“Quan điểm của tỉnh là cũng muốn có vùng tưới cho công trình thủy lợi Ia Mơr, để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nếu Quốc hội đồng ý cho chuyển đổi diện tích 4.700ha đất rừng qua đất nông nghiệp mà không tiếp tục có thêm nguồn vốn lớn để bố trí việc thiết kế vùng tưới thì cũng khó khăn cho tỉnh”, ông Nghĩa nói.

Hơn 20 năm nay, người dân ở vùng kinh tế mới ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp thiếu nước sản xuất trầm trọng nên lẩn quẩn đói nghèo. Ảnh: Chí Dũng

Phương án đã có nhưng chưa chốt hạ

Cách kho nước lớn nhất Tây Nguyên chỉ 15km, ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk có cả chục ngàn ha đất nông nghiệp thiếu nước sản xuất. Thế nên, ở đây đang có hơn 4.200 người dân đi kinh tế mới nhưng thuộc diện đói nghèo. Nếu được đầu tư kênh mương thủy lợi thì có thể mở ra một tương lai tương sáng cho hàng ngàn người dân ở khu vực này.

Hiện nay, ở xã Ia Rvê, huyện Ea Súp đã hình thành vùng tưới vượt quy mô dự án. Điều đáng nói, trong tương lai ở khu vực xã Ia Rvê còn được dự kiến phát triển thành khu nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, đơn vị kinh tế 737 dự kiến sẽ chuyển về cho địa phương diện tích khoảng 8.700ha, còn người dân xã Ia Rvê đang canh tác khoảng 6.600ha...

Trớ trêu thay, nhiều năm qua, do chưa có hệ thống thủy lợi nên đất đai ở xã Ia Rvê thường xuyên phải bỏ hoang vì không có nước tưới cho các loại cây trồng. Mọi hoạt động sản xuất chỉ chờ đến khi mưa xuống mới mong có sự hiệu quả. Do đó, đến năm 2021, toàn xã Ia Rvê vẫn còn trên 50% số hộ, với 4.235 người dân lẩn quẩn trong cảnh đói nghèo.

Năm 2002, ông Trần Văn Quyết, cùng nhiều người dân trong thôn 7 từ nhiều tỉnh thành trong cả nước lên xã Ia Rvê làm kinh tế mới. Khi lên đây, do không có nước sản xuất nên bà con nông thôn đã tìm đến khu vực ven suối, sình lầy… để trồng cây điều, cây ăn trái. Tuy nhiên, do mùa khô kéo dài hơn 6 tháng, trong khi không có hồ đập thủy lợi nên các loại cây trồng không phát triển ổn định, cho năng suất rất thấp.

“Toàn thôn có hơn 100 hộ gia đình sinh sống nhưng chỉ có 2 hộ gia đình thoát nghèo. 2 hộ gia đình này cán bộ đang làm việc ở UBND xã. Mặc dù có nhiều đất sản xuất nhưng nguyên nhân khiến người dân kinh tế mới chúng tôi luẩn quẩn trong đói nghèo là do không có nước sản xuất” – ông Quyết tâm sự.

Trước mắt, để giải quyết khó khăn cho người dân vùng kinh tế mới xã Ia Rvê, các cấp ngành của tỉnh Đắk Lắk đã có những phương án đề xuất như kéo dài hệ thống kênh chính, kênh nhánh để mở rộng khu tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr (tỉnh Gia Lai) về đến xã Ia Rvê, huyện Ea Súp. Trong đó, diện tích được hưởng lợi từ dự án này là khoảng 3.500ha.

Để làm được điều này, thì các cấp ngành phải đồng ý xây dựng hệ thống công trình chuyển nước (trạm bơm và hệ thống đường ống) lấy nước trực tiếp từ phía trái lòng hồ Ia Mơr để tưới cho cây trồng ở xã Ia Rvê.

Theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nếu đầu tư hệ thống kênh mương từ hồ thủy lợi Ia Mơr về xã Ia Rvê thì sẽ có 1.850ha tưới theo hình thức tự chảy, 1.650ha tưới động lực, 1257,5ha diện tích dọc ven kênh chính Đông.

"Việc triển khai dự án này sẽ góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh quốc phòng, ổn định đời sống bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Ea Súp" - Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Thế nhưng, thay vì đồng ý với phương án này thì các cơ quan chức năng đang "phân vân" giữa việc chờ tỉnh Gia Lai chuyển đổi đất rừng thành vùng tưới hay đầu tư tuyến kênh mới (khác với thiết kế ban đầu) cho người dân vùng kinh tế mới nghèo khó ở tỉnh Đắk Lắk được hưởng lợi.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Ia Rvê “bỏ hoang“, người dân chờ khi mùa mưa tới thì mới có thể gieo trồng các loại cây trồng. Ảnh: Chí Dũng
Chia sẻ về việc này, lãnh đạo xã Ia Rvê cho rằng, việc cấp nước cho địa phương là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm ổn định vùng kinh tế mới đã hình thành hơn 20 năm nay. Ở xã Ia Lốp, ngay bên cạnh địa phương đã có kênh mương thủy lợi dẫn nước từ hồ thủy lợi Ia Mơr về cho người dân sử dụng. Nhờ đó, người dân ở xã Ia Lốp đã có nước sản xuất, từng bước được "đổi đời".

Còn ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp khẳng định, địa phương mong muốn được bổ sung xã Ia Rvê thành khu tưới nhằm giúp người dân có tư liệu sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Chí Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Đắk Lắk

Tin cùng chuyên mục

TP. Hồ Chí Minh: Biển quảng cáo sai phép chình ình ‘trên đầu’ cây xăng

Công ty sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Tĩnh bị cưỡng chế thuế hơn 9,8 tỷ đồng

Công an Thanh Hóa bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây trộm cắp xe máy liên tỉnh

Công an Bình Dương bắt tạm giam đối tượng Bùi Tiến Lợi

Cục Thuế tỉnh Sơn La công khai danh sách 62 người nộp thuế nợ tiền thuế

CEO Vương Long đăng video thứ 2 xin lỗi doanh nghiệp, muốn được rút kinh nghiệm

Đà Nẵng: Khởi tố Tổng Giám đốc Công ty GFDI Nguyễn Quang Hoàng cùng các đồng phạm

Bạc Liêu: Công ty CP tư vấn xây dựng Tiến Hưng bị cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn

Bà Rịa - Vũng Tàu: Bắt đầu cưỡng chế 2 resort ở Bãi Sau

TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện nhiều vi phạm tại Công ty Gas Châu Minh Phong

Quảng Bình: Khởi tố 9 giám đốc, trưởng ban quản lý dự án

Hà Tĩnh: Công ty Đầu tư và Xây dựng Sơn Hà HT bị cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn

Công an Thanh Hóa ra quân bắt, vận động đầu thú và thanh loại 27 đối tượng truy nã

Cục Hải quan TP. Cần Thơ công khai 13 doanh nghiệp nợ thuế

Người phụ nữ ở Hà Nội bị 'ông bố đơn thân' lừa gần 4 tỷ đồng

Làm rõ nguyên nhân bé gái 7 tuổi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành

Thanh Hóa: Tạm giữ hình sự đối tượng say rượu, gây tai nạn giao thông, chống người thi hành công vụ

Công ty CP Du lịch Hồ Nam Bạc Liêu bị cưỡng chế thuế, trích tiền từ tài khoản tại 4 ngân hàng

Hà Nội: Triệt phá đường dây ma túy cực lớn, thu nhiều súng đạn

Đồng Tháp: Tạm hoãn xuất cảnh 4 người nợ thuế trên địa bàn huyện Tân Hồng