Kỳ 2: Địa chỉ “đỏ” trong kinh doanh xăng dầu
Lội suối, vượt thác, xe xăng dầu đến Sốp Cộp.
- Đổi thay nơi thượng nguồn sông Mã
Đỉnh Cang Kéo là nơi đầu nguồn khởi dòng để làm nên cái tên Sốp Cộp. Ba dòng Nậm Lạnh, Nậm Ca, Nậm Công uốn lượn vào lòng núi đồi rồi hợp lại và mang cái tên lục khục như đá dưới lòng suối bị nước xô va vào nhau- Sốp Cộp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Chung- Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp- cho biết, Sốp Cộp là nơi sinh sống của các dân tộc như Thái, Mông, Kinh, Lào, Khơ Mú, Lào... trong đó dân tộc Thái chiếm khoảng 66%... Cả tỉnh Sơn La có 250 km đường biên tiếp giáp với Lào thì Sốp Cộp đã có hơn 120 km đường biên. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Đây là “điểm nóng” ma túy từ Lào sang.
Đối với mặt hàng xăng dầu kinh doanh trên địa bàn, anh Đinh Công Hoan- Chủ tịch xã Sốp Cộp (huyện Sốp Cộp)- cho biết, trước đây chủ yếu là các điểm bán lẻ tự phát. Xăng dầu được chứa trong can nhựa, khách có nhu cầu thì sang chiết. “Cao cấp” hơn thì cũng chỉ có bình bơm tay. Giá xăng dầu bao giờ cũng cao hơn giá thị trường từ 4.000- 5.000 đồng/lít. Sau đó có một cửa hàng xăng dầu quân đội nhưng kinh doanh lỗ mãi họ cũng rút lui. Có lúc, do không đủ nguồn cung, xăng dầu khan hiếm dẫn đến việc “cháy hàng”. Khi đó, cả 8 xã của huyện Sốp Cộp lại rơi vào tình trạng thiếu xăng dầu. Các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu vì thế cũng tăng theo. Dẫn đến đời sống người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn… Cũng từ đây, người dân thường có thói quen tích trữ xăng dầu trong nhà để dùng dần. Do không được trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy nên nguy cơ cháy nổ cao.
Cửa hàng xăng dầu Petrolimex Sốp Cộp (thuộc Chi nhánh Xăng dầu Sơn La) phục vụ người dân.
Anh Lò Thanh Thảo- cửa hàng trưởng CHXD và anh Đinh Công Hoan- Chủ tịch xã Sốp Cộp trao đổi với phóng viên
Khó khăn quá, UBND huyện Sốp Cộp năm lần bẩy lượt đề nghị Sở Công Thương kêu gọi đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu nhà nước cho huyện. Vì nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhu cầu cho miền núi, cuối cùng chỉ có Petrolimex "đặt chân" tới.
Từ năm 2009, sự xuất hiện của Cửa hàng Xăng dầu Petrolimex Sốp Cộp đã đem lại những tín hiệu tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của một huyện nghèo. Có xăng dầu, bà con đã dần bỏ thói quen sử dụng sức kéo trâu, bò, chuyển sang máy nông nghiệp có hiệu quả. Phương tiện vận tải phục vụ sinh hoạt, kinh doanh được sử dụng nhiều hơn, giảm chi phí sản phẩm đầu ra, khuyến khích tiêu dùng… Nhờ phát triển kinh tế, Sốp Cộp đã dần mọc lên những ngôi nhà khang trang, thay thế cho những ngôi nhà tạm trước kia. Các hộ nghèo, theo như lời ông Phạm Văn Chung, hiện nay đã giảm khoảng 10% so với năm 2010.
Anh Tòng Văn Búng, xã Sốp Cộp- chủ cơ sở xay xát thóc gạo- cho biết, trước đây, mỗi khi hết dầu, tôi phải đi hàng giờ xuống huyện Sông Mã mua, chi phí đi lại rất tốn kém. Nay, được mua dầu gần hơn, giá Nhà nước, công xay xát cũng vì thế mà giảm. Gia đình chị Lò Bun Mây, xã Mường Và vừa mua chiếc xe máy mới để phục vụ việc làm nương rẫy, mua thức ăn gia súc. Với chị Mây, đi xe máy cách đây 3 năm dường như là điều xa xỉ. Bởi nếu có dành dụm được tiền mua xe thì chưa chắc có tiền đổ xăng do đắt và hiếm.
Đồng hành cùng dân bản
Không giống như kinh doanh xăng dầu ở vùng xuôi, tại vùng cao, người bán hàng không những cần thông thuộc địa bàn mà còn phải hiểu được phong tục tập quán của bà con dân tộc. Anh Lò Thanh Thảo- Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu Sốp Cộp- tâm sự: Sốp Cộp, bà con dân tộc Thái chiếm đa số, mà người Thái rất trọng chữ tín. Nếu chỉ một lần sai sót về giá, chất lượng không đảm bảo hay chậm trễ trong cung cấp hàng, thì người Thái sẽ không mua hàng nữa. Tại Sốp Cộp, đã từng xảy ra trường hợp một cây xăng của doanh nghiệp tư nhân, do kinh doanh không uy tín dẫn đến việc bà con tẩy chay.
Ngoài giữ chữ tín, 5 cán bộ, nhân viên cửa hàng còn là những tuyên truyền viên. Họ giải thích, tuyên truyền cho bà con hiểu được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước cũng như lợi ích của việc sử dụng xăng dầu. Ngoài ra, chính sách bán hàng linh hoạt, hỗ trợ bà con cho đến các dịch vụ phục vụ khác mang lại hiệu quả cao. Với khách hàng mua xăng dầu với khối lượng lớn, cửa hàng có thể vận chuyển, giao hàng đến tận nơi. Nhờ đó, sản lượng bán xăng dầu hàng năm của cửa hàng năm sau luôn cao hơn năm trước.
Sau 1 ngày rưỡi, xe téc vượt 438 km đường đèo đến Sốp Cộp.
Cửa hàng trưởng Lò Thanh Thảo làm thủ tục nhập hàng.
Kiểm tra niêm phong, kẹp chì, chất lượng xăng dầu trước khi nhập hàng.
Anh Thảo cũng cho biết, khó khăn đến mấy, cũng không để hành trình xăng dầu đứt đoạn. Nếu để xảy ra tình trạng khan hiếm, bà con có thể phải đi xa mua hoặc mua phải xăng dầu kém chất lượng. Thậm chí, có những thời điểm, cửa hàng chịu trách nhiệm chở xăng dầu cho đồng bào dân tộc xã Mường Lèo (xã xa nhất của huyện). Đường xá khó khăn, những người vận chuyển đã phải mang cả mì tôm, cơm nắm để đi đường.
Nhìn chung, việc kinh doanh xăng dầu tại Sốp Cộp cũng như Sơn La nói riêng hầu như không có lãi, thậm chí là lỗ. Điều này được Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Sơn La thuộc Petrolimex Hà Sơn Bình Nguyễn Văn Liên cho biết: Kinh doanh xăng dầu ở miền núi càng bán nhiều càng lỗ, vì tất cả chi phí định mức chỉ 600 đồng/lít xăng dầu, nhưng riêng cước vận tải ở Sơn La trung bình đã 850 đồng/lít. Trước khi có sự xuất hiện của Petrolimex tại Sốp Cộp, không doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào “trụ” lại được ở đây bởi vận chuyển khó khăn, chi phí cao. Thế nhưng, với vị trí của mình, Petrolimex không chỉ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh thuần túy mà còn rất có ý thức trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một doanh nghiệp nhà nước là đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho bà con dân tộc. Đó là lý do chính mà đến nay, thương hiệu Petrolimex đã trở nên thân thuộc với vùng cao…
Lái xe PTS Hà Tây (từ trái qua phải) Bùi Quốc Hùng, Phạm Huy Toàn và Nguyễn Văn Lâm hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng cho một hành trình mới.
Nguyễn Hải- Thanh Hương