Thứ năm 26/12/2024 00:09
Nỗi thất vọng từ nhiều đại dự án thủy nông ở Tây Nguyên

Kỳ 1: Dự án thủy lợi 305,5 tỉ đồng thành… “thủy hại”

Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa có quy mô đầu tư 305,5 tỉ đồng được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người dân Đắk Lắk xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Các dự án thủy lợi như Ia Mơr (Gia Lai); Krông Pách thượng và hồ chứa nước Yên Ngựa (Đắk Lắk) có tổng mức đầu tư hàng trăm, cho đến hàng nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, vì thi công chậm tiến độ, đội vốn đầu tư… nên các công trình này đều chưa phát huy có hiệu quả như tính toán ban đầu, gây ra sự lãng phí nhất định. Qua thực tế cho thấy, những bất cập, tồn tại ở các đại dự án này xuất phát từ việc các đơn vị liên quan khi khảo sát, thiết kế, lập dự toán… đã “đếm sai cua trong lỗ”.

Đơn cử như Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa có quy mô đầu tư 305,5 tỉ đồng được kỳ vọng sẽ góp phần giúp người dân Đắk Lắk xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do tính toán sai kinh phí thực hiện nên dự án này đã "giậm chân tại chỗ" cả năm nay.

Vừa triển khai đã “giậm chân tại chỗ”

Dự án hồ chứa nước Yên Ngựa được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt đầu tư vào tháng 10.2018 với tổng mức đầu tư 305,5 tỉ đồng. Nguồn vốn triển khai dự án chủ yếu từ Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh theo Quyết định 1670/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều diện tích cây trồng của người dân chết khô, lãng phí khi bàn giao cho chủ đầu tư nhưng chậm đền bù, triển khai thực hiện dự án. Ảnh: TX
Dự án có 2 công trình hồ chứa được thiết kế với dung tích hơn 3,1 triệu m3 nước bao gồm: Hồ Yên Ngựa (ở xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) và hồ Buôn Biếp (ở xã Yang Tao, Bông Krang, huyện Lắk) với tổng diện tích thu hồi đất hơn 115ha.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cấp nước tưới cho khoảng 750ha cây trồng và phục vụ sinh hoạt, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân trong khu vực.

Dự án này tưởng chừng rất thuận lợi vì có rất nhiều người dân chưa nhận được tiền đền bù nhưng đã tình nguyện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công. Tuy nhiên, dự án chỉ triển khai được một thời gian thì dừng lại đã khiến người dân nơi đây vô cùng thất vọng.

Dự án hồ thủy lợi Yên Ngựa đã "dậm chân tại chỗ" cả năm nay do tính toán sai chi phí đầu tư. Ảnh: Chí Dũng
Gia đình ông Đinh Chí Xuân, ở xã Cư Ewi, huyện Cư Kuin không kìm được nước mắt khi nhìn mảnh rẫy gần 2ha của gia đình đã bị chết khô, hoang hóa. Cây điều vốn có sức chịu hạn tốt nhất giờ cũng đã khô khéo, chết dần, chết mòn vì không có bàn tay con người chăm sóc.

Theo ông Xuân, gần 2ha rẫy này là công lao bao năm trời chăm sóc và cũng là nguồn thu nhập nuôi sống nhiều người trong gia đình. Năm 2020, gia đình ông đã bàn giao gần 2ha rẫy để chủ đầu tư triển khai dự án hồ chứa nước Yên Ngựa.

Hiện nay, mảnh rẫy của gia đình ông Xuân và gần 90 hộ dân nơi đây đã bàn giao để cho dự án triển khai nhưng chưa được nhận tiền đền bù. Người dân càng chờ đợi, càng xót xa vì tiền đền bù chẳng thấy đâu còn cây trồng thì cứ chết dần, chết mòn, mất trắng nguồn thu nhập.

“Gia đình tôi đông người, cũng chỉ mới thoát nghèo được vài năm. Từ khi thông báo thu hồi đất, con cái không có công ăn việc làm, mỗi đứa đi mỗi phương”- ông Xuân buồn bã kể.

Ở vùng đất cằn cỗi, vốn dĩ thiếu nước sản xuất nên người dân đặt nhiều kỳ vọng vào dự án hồ thuỷ lợi này. Thế nhưng, nhìn vào thực tế khối lượng thi công ở dự án này thì hết sức đáng buồn.

Toàn bộ dự án lớn này chỉ còn lại lác đác vài đống sắt tập kết đã hoen gỉ, xi măng chết cứng, vứt bỏ hàng chục tấn. Trong khi đó, cả một vùng cây trồng rộng lớn đã trở thành bãi hoang, người dân thiệt đơn, thiệt kép.

“Chủ đầu tư đi, chủ công trình giờ không thấy đâu cả. Phần lớn đất dự án giờ như bãi sa mạc, không canh tác gì được. Nhiều cây trồng có giá trị như tiêu, cà phê chết hết” - Ông Dương Văn Thiện, một người dân ở xã Cư Ewi ngán ngẩm cho biết.

Đề xuất “bơm” hơn 170 tỉ đồng để cứu dự án

Theo kế hoạch ban đầu, đến hết năm 2022 dự án hồ chứa nước Yên Ngựa phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay, khối lượng thi công dự án là không đáng kể.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Yên Ngựa), dự án đang dừng là do các bên liên quan đã tính toán sai chi phí giải phóng mặt bằng. Việc thiếu tiền giải phóng mặt bằng, phải tăng tổng mức đầu tư đã khiến dự án thuỷ lợi này bế tắc trong suốt hơn một năm qua.

Báo cáo của Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thấy, đến nay, UBND các huyện Cư Kuin và Lắk chỉ mới phê duyệt 6 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 48,08ha/115,24ha đất phải thu hồi. Còn lại 67,16ha chưa xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Điều đáng nói, mặc dù mới triển khai 6 phương án phê duyệt thì nguồn kinh phí đã bồi thường, giải phóng mặt bằng là 80,077 tỉ đồng, tức là tăng thêm 32,28 tỉ đồng so với tổng mức cho toàn bộ 115,24 ha đã được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt trước đây.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, nếu lập và phê duyệt án các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích 115,24ha thì kinh phí có thể lên đến 180,12 tỉ đồng. Hiện nay, đã giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng là 38,84 tỉ đồng.

Như vậy, nhu cầu bổ sung vốn đề tiếp tục triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ dự án có thế lên đến 142,62 tỉ đồng. Đối với dự án này, chủ đầu tư dự án đã đề xuất tổng vốn đầu tư dự án hồ chứa nước Yên Ngựa từ 305,5 tỉ đồng lên 480 tỉ đồng, đội vốn trên 174 tỉ đồng.

Theo Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, nếu dừng triển khai dự án, áp lực bố trí vốn đầu tư công của tỉnh sẽ giảm. Tuy nhiên, về phía Trung ương sẽ rút vốn, trong khi đó, nguồn vốn Trung ương phân bổ đã được tạm ứng trên 88%.

Ngoài ra, với khối lượng đang xây lắp dang dở sẽ gây ra tình trạng lãng phí và dư luận không tốt trong nhân dân. Hơn nữa những người dân cũng đã sẵn sàng cho việc thu hồi đất nhưng chưa được bồi thường sẽ tiếp tục khiếu kiện, gây ảnh hương đến an ninh trật tự tại cơ sở.

Đặc biệt, chủ trương, mục tiêu của dự án không đạt được, người dân không được thụ hưởng lợi ích từ dự án, tỉnh phải giải quyết các hậu qủa phát sinh từ việc dừng triển khai dự án.

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đang nghiên cứu bố trí thêm vốn để tiếp tục triển khai đầu tư dự án hồ thủy lợi Yên Ngựa. Ảnh: Chí Dũng
Trường hợp nếu tiếp tục triển khai dự án bảo đảm tiến độ, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng thì địa phương và nhân dân trong vùng dự án ít nhiều cũng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì vốn đầu tư công trung hạn, kể cả nguồn dự phòng giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh đã được phân bổ hết.

Trong khi đó, nguồn vốn giai đoạn 2 của dự án chưa được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Chưa hết, việc tăng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí xây lắp sẽ tạo ra áp lực về cân đối vốn đầu tư công của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, để tập trung vốn đầu tư cho dự án Hồ chứa nước Yên Ngựa được tiếp tục triển khai thực hiện, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xem xét việc tạm dừng đầu tư Hồ chứa nước Ea Khít, ở huyện Cư Kuin với tổng mức đầu tư 100 tỉ đồng và việc sử dụng số vốn 175 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2021.

(Còn nữa)

Chí Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Đắk Lắk

Tin cùng chuyên mục

Xử phạt người đăng thông tin sai sự thật vụ phóng hỏa đốt quán cà phê tại Phạm Văn Đồng

Nghệ An: Cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn Công ty Thiết bị Y tế - Dược Trường Thịnh Phát

Yên Bái: Ngừng sử dụng hoá đơn Công ty VINASAN, Công ty Cường Thịnh do nợ thuế

Quảng Ngãi: Những sở ngành, địa phương nào thuộc diện thanh tra năm 2025?

Đồng Tháp: Một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục bị phong tỏa tài khoản do nợ thuế

Sơn La: Công khai danh sách 59 cá nhân nợ tiền thuế số tiền hơn 17 tỷ đồng

Lào Cai: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn

Bà Rịa – Vũng Tàu: 3 doanh nghiệp nợ thuế bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Thấy gì từ vụ chồng bị khởi tố vì đập vỡ điện thoại của vợ?

Thanh Hoá: Xử phạt Công ty Cổ phần Xây lắp điện và dịch vụ điện Tín Nghĩa

Tiktoker Dưỡng Dướng Dường tiếp tục bị phạt

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế đối với Công ty Cổ phần Trung Sơn

Bạc Liêu: Công ty Vật liệu xây dựng Phúc Lộc Thọ bị cưỡng chế thuế

Phú Quốc: Đầu tư tiền tỷ cải tạo vườn hoang, bị kiến nghị phạt tội huỷ hoại đất

Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ

Thanh tra TP. Hồ Chí Minh: Công ty Công Ích quận 7 thu lợi gần 6 tỷ đồng không đúng quy định

Hà Nội: Làm rõ trách nhiệm vụ tưới xăng đốt quán cà phê khiến 11 người tử vong

Cần Thơ: Cưỡng chế thuế Công ty CP Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam

Hà Nội: Nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người tử vong có 2 tiền án

Đắk Lắk: Cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn 4 doanh nghiệp nợ thuế