Kỳ 1: Biến tiềm năng lợi thế thành... hiệu quả
Tiềm năng và thế mạnh Tỉnh Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có địa hình thuận lợi, giờ nắng cao, trung bình trong năm từ 2.542 - 3.090 giờ và tốc độ gió lớn so với cả nước, nên địa phương này được xem là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch.
Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam xây dựng tại huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận |
Còn tỉnh Đắk Lắk nằm trong khu vực có tiềm năng ứng với lượng bức xạ mặt trời trung bình trên 1.750 kWh/m2/năm (trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày), tiềm năng kỹ thuật có thể ước tính để phát triển các dự án điện mặt trời là khoảng 80GWp; trong đó, các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo... có bức xạ cao hơn. Đồng thời, quỹ đất tại các địa phương này vẫn còn khoảng 30.000 ha có thể sử dụng để xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời được xem có lợi thế rất lớn...
Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, giai đoạn đến 2020 tiềm năng phát triển điện mặt trời khoảng 1.400 MWp, giai đoạn 2021-2025 khoảng 4.000 MWp. Đắk Lắk còn có tiềm năng phát triển đối với điện gió tại các khu vực như: thị xã Buôn Hồ, Krông Búk, huyện Ea H’leo, Krông Năng, Cư M’Gar...
Nhà máy Điện mặt trời Bình Nguyên của Công ty CP Năng lượng và Công nghệ cao Trường Thành Quảng Ngãi |
Theo kết quả quan trắc của Sở Công Thương Đắk Lắk tại một số địa phương lượng gió mạnh và không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm với tốc độ trung bình từ 6 -7 m/s. Với các điều kiện tự nhiên sẵn có, địa phương có thể phát triển, xây dựng các nhà máy điện gió theo kiểu trang trại trên các quả đồi với diện tích hơn 12.200 ha đất đã được khảo sát và đánh giá phù hợp. Không chỉ hai địa phương trên, mà tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, có nhiều địa phương có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng sạch, như Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình.... Từ điều kiện trên nhiều dự án đã, đang và sẽ triển khai góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương nói riêng và khu vực nói chung. Tạo cơ chế chính sách, điều kiện và hướng phát triển tốt.
Theo ông Phan Đăng Thành- Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, dựa trên tiềm năng sẵn có và Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22/12/2011, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai lập Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2574/QĐ-BCT ngày 23/4/2013; và Dự thảo Quy hoạch điện mặt trời trên địa bàn tỉnh (đã trình Bộ Công Thương) trong đó, chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Từ đó đã tạo ra những cơ hội hơn trong thu hút đầu tư và động lực thúc đẩy các dự án năng lượng gấp rút triển khai thực hiện hoàn thành tiến độ đặt ra.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Mộ Đức của Tập đoàn Thiên Tân . |
Tính đến nay toàn tỉnh đã có 81 dự án (điện mặt trời, điện gió, thủy điện) được cấp chủ trương khảo sát, trong đó: đã có 50 dự án cấp quyết định đầu tư (31 dự án điện mặt trời, 14 dự án điện gió và 5 dự án thủy điện).
Ông Phạm Thái- Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo. UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, lập phương án, tiến hành các thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt; Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Viện Năng lượng – Bộ Công Thương.
Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Chính phủ đã có một loạt những quyết sách đúng đắn nhằm thu hút kêu gọi các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng cho nhu cầu sử dụng điện năng trong thời gian tới, giải quyết bài toán về anh ninh năng lượng. “Cho đến thời điểm hiện nay tổng công suất trên địa bàn cả nước gần đạt gần 5.000 MW đây là kết quả quan trọng, là sự kết tinh chính sách của Đảng và nhà nước chúng ta. Sở Công Thương các địa phương có trách nhiệm và vai trò quan trọng tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trong việc định hướng phá triển nguồn năng lượng tái tạo” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: "Bộ Công Thương sẽ đề xuất với Chính phủ có những cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện tối đa cho các địa phương, doanh nghiệp để phát triển năng lượng tái tạo".