Kon Tum: Phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng
Số lượng tăng nhưng năng lực cạnh tranh và khả năng liên kết thấp
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Kon Tum, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 2.750 doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới qua các năm liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, toàn tỉnh vẫn có 374 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 3.121 tỷ đồng, tăng 29,4% về số lượng doanh nghiệp và 14,3% về tổng vốn đăng ký so với năm 2019.
Phần lớn các doanh nghiệp tại Kon Tum có hàm lượng công nghệ trong sản xuất, hàm lượng giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp |
Mặc dù đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế tỉnh, tuy nhiên, thực trạng hiện nay các doanh nghiệp hầu hết có quy mô vừa, nhỏ hoặc siêu nhỏ (chiếm 97,7%); năng lực quản trị, điều hành kinh doanh còn yếu, thiếu chiến lược kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của Doanh nghiệp thấp, năng suất lao động và giá trị gia tăng cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất thấp, các doanh nghiệp chưa chú trọng việc tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, kỹ năng và tay nghề lao động trong các doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất kinh doanh còn thấp. Lợi nhuận trước thuế bình quân/doanh nghiệp và tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp vẫn thấp hơn mức trung bình chung của cả nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa tạo được liên kết trong sản xuất, kinh doanh mà hoạt động còn rời rạc, “mạnh ai nấy làm”, hàm lượng giá trị công nghệ trong sản phẩm còn thấp khiến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, giá trị gia tăng của sản phẩm theo đó cũng chưa cao, chưa tạo được thương hiệu trong chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ.
Dù đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Kon Tum vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Kon Tum (PCI) năm 2020 đạt 62,02 điểm, giảm 1,52 điểm so với năm 2019, đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước; (so với 5 tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum đứng thứ 4).
Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các chương trình tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh; công tác bố trí quỹ đất sạch phục vụ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt quỹ đất sạch ngoài Khu kinh tế, khu công nghiệp; việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vẫn mang tính tự phát; chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.
Tỉnh Kon Tum khuyến khích khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết, hình thành chuỗi giá trị |
Thúc đẩy liên kết, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Xác định phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có hơn 4.900 doanh nghiệp; tăng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong tổng GRDP lên 35%; 100% doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ; bước đầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, đến năm 2025, hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Kon Tum tập trung 3 nhóm đối tượng để hỗ trợ gồm hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp – khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Đối với việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh đủ điều kiện lên doanh nghiệp đơn vị sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp; hỗ trợ thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu; được miễn lệ phí môn bài, tư vấn miễn phí về thủ tục hành chính thuế, kế toán trong thời gian 3 năm kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Đối với khởi nghiệp sáng tạo, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí các hoạt động tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm. Và hỗ trợ từ 50 – 100% chi phí cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; chi phí sử dụng các khu làm việc chung, cơ sở ươm tạo...
Đặc biệt, xác định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, Kon Tum dành nhiều ưu đãi nổi bật cho doanh nghiệp tham gia chương trình này.
Trong đó, được hỗ trợ 50% chi phí đối với các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt tại hiện trường (tối đa 30 triệu đồng/khóa/năm); hỗ trợ 100% chi phí liên kết sản xuất, kinh doanh như tư vấn thúc đẩy liên kết; tư vấn xây dựng dự án liên kết; hỗ trợ 100% chi phí các hoạt động phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường như chi phí gian hàng tham gia hội chợ xúc tiến thương mại; chi phí tư vấn bảo hộ sở hữu trí tuệ; chi phí thông tin quảng bá sản phẩm phát triển chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành…..