Kiên quyết tìm ra lỗ hổng quản lý cồn công nghiệp và các loại hóa chất độc hại!
Rượu tự nấu gây nhiều hiểm họa, cần ngăn chặn! |
Còn hạn chế ở khâu quản lý
Theo báo cáo của Cục Hóa chất, thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xảy ra ngộ độc Methanol do uống phải rượu sản xuất không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc lưu hành rượu có chứa Methanol trên thị trường cũng được Cục Hóa chất chỉ rõ: Người pha chế rượu, sản xuất rượu một phần vì ham lợi, một phần vì thiếu hiểu biết nên chế ra loại rượu có chứa Methanol từ các loại cồn công nghiệp có hàm lượng methanol cao. Việc tự nấu rượu và mua bán trên thị trường không tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý cồn, rượu… Methanol là hóa chất độc hại, theo quy định của pháp luật, sản xuất, kinh doanh loại hóa chất này phải thực hiện xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh tại Sở Công Thương. Đồng thời, khi mua/bán phải xây dựng Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, trong đó, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất độc lưu thông trên thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường- Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ - cho biết, nguyên nhân của những vụ ngộ độc này đã được các cơ quan chuyên môn xác định là do các nạn nhân đã sử dụng các loại rượu tự pha chế, không rõ nguồn gốc, có chứa Methanol vượt quá ngưỡng cho phép.
Đối với hiện trạng buôn bán hóa chất nhỏ lẻ, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất - chia sẻ, mặc dù Việt Nam đã có tương đối đầy đủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh hóa chất, nhưng việc thực thi còn nhiều hạn chế. Ý thức tuân thủ pháp luật cũng như vấn đề an toàn hóa chất của các doanh nghiệp, đặc biệt là hộ cá thể kinh doanh nhỏ lẻ còn thấp. Bên cạnh đó, việc kinh doanh hóa chất tại chợ Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh); phố Hàng Hòm, Hàng Buồm (Hà Nội) như một “yếu tố lịch sử” cũng gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện quy định liên quan đến an toàn hóa chất. Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp còn hạn chế, tần suất thấp và chưa hiệu quả; khâu buôn bán nhỏ lẻ hóa chất tại Việt Nam hầu như chưa tuân thủ các quy định về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS). Đáng chú ý, vấn đề san chiết hóa chất bằng chai lọ, bình, can, túi không nhãn mác rất phổ biến.
Quyết liệt phối hợp trên từng địa bàn
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian này sẽ tập trung kiểm tra 70% rượu tự nấu, đặc biệt đối với cồn công nghiệp kém chất lượng cần siết chặt, cồn trong nước cần lưu ý kiểm tra chặt hơn. Rà soát lại khuôn khổ pháp lý từ các luật: Luật Hóa chất, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Nghị định, Thông tư…. Trên cơ sở đó kiểm tra công tác quản lý nhà nước của các Sở Công Thương, đồng thời, phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất tại một vài địa bàn trọng tâm.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn nêu rõ, quản lý hóa chất độc hại còn nhiều bất cập đã gây tác động lớn đến đời sống người dân, nhất là hóa chất sử dụng sai mục đích. “Chúng ta phải tìm cho ra những lỗ hổng tồn tại ở chỗ nào? Phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về hóa chất, đảm bảo an toàn thực phẩm và phải bám theo Công điện 371/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ thị Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu hiện đã có. Như vậy có cơ sở yêu cầu nhiệm vụ cho các địa phương. Nhưng không dừng ở đây, chúng ta phải tập trung quyết liệt vào địa bàn trọng điểm với mục đích tạo ra chuyển biến rõ rệt và thông qua đó, các địa phương phải thấy được trách nhiệm của mình. Bộ Công Thương cũng phải làm tốt công tác hậu kiểm, hỗ trợ địa phương trong hướng dẫn thực hiện quản lý cồn công nghiệp và các loại hóa chất độc hại trong sản xuất rượu, hóa chất trong buôn bán nhỏ lẻ và hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì cùng với Cục Hóa chất, Cục Quản lý thị trường, Vụ Khoa học công nghệ, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Thị trường trong nước rà soát từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp… Nhiệm vụ trọng tâm cần lưu ý là xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong quản lý hóa chất, cồn công nghiệp và các loại phụ gia khác dễ bị lạm dụng, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, Cục Hóa chất và Vụ Khoa học công nghệ phối hợp nghiên cứu để xây dựng quy chuẩn kiểm soát hóa chất, đặc biệt là cồn công nghiệp, nhằm đảm bảo cơ sở thực hiện tốt quản lý nhà nước mặt hàng này, sao cho không bị lạm dụng và lợi dụng trong sản xuất rượu giả, sớm báo cáo Bộ để xem xét và ban hành.
Vụ Công nghiệp nhẹ và Vụ Thị trường trong nước, Vụ Pháp chế căn cứ vào Công điện của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu đưa vào các nội dung liên quan đến quản lý nhà nước và điều chỉnh hành vi các hoạt động liên quan sản xuất rượu tự nấu của người dân, quản lý từ chính quyền cơ sở, đồng thời gắn trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
Liên quan đến Quản lý thị trường, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công Thương với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về kiểm soát, xử lý những cơ sở sản xuất rượu, bao gồm cả rượu tự nấu, rượu giả, kể cả cơ sở rượu có phép, kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn theo từng đợt cao điểm trong năm 2017.
Hiện tại, Cục Hóa chất đang phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý hóa chất của các hộ kinh doanh hóa chất trên địa bàn, tập trung vào các loại hóa chất có thể lạm dụng để bảo quản, chế biến thực phẩm, trong đó chú trọng đến Ethanol và Methanol. Kế hoạch kiểm tra thực hiện trong tháng 3 (đợt 1) và tháng 6 (đợt 2). |